Nỗ lực áp dụng công nghệ 4.0

EVNNPC nhận định, nhiều mảng sản xuất kinh doanh có thể áp dụng, triển khai nhanh chóng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. EVNNPC đang tích cực nghiên cứu áp dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Internet vạn vật (Internet of things),  Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Block chain), Điện toán đám mây (Cloud computing)...

Thế nhưng “nút thắt” tồn đọng  đó là: Dù điều kiện địa bàn kinh doanh trải rộng khắp miền Bắc, lưới điện phủ khắp các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi có địa hình/điều kiện kinh tế - xã hội khác biệt. Mật độ dân cư, mật độ/tính chất phụ tải khác nhau, nhưng chỉ tiêu năng suất lao động lại được tính giống nhau (bằng sản lượng chia cho số nhân viên).

Vì vậy, EVNNPC đề ra nhiệm vụ khắc phục tình trạng đó là sử dụng giải pháp công nghệ cao, như: lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu, đo đếm từ xa đối với 1.500 điểm ranh giới và đầu nguồn (đạt 100% yêu cầu). Lắp đặt, thu thập dữ liệu đo xa công tơ tổng đầu trạm công cộng (32.354 điểm) với đầu trạm chuyên dùng (20.992 điểm). Thu tiền điện qua ngân hàng, thanh toán tiền điện trực tuyến trên Website, tạo nhiều tiện ích cho khách hàng (tiến tới phát hành thẻ mua - bán điện năng) nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của EVNNPC.

Hiện nay hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng là lĩnh vực được thúc đẩy mạnh nhất dưới tác động của CMCN4.0. Khách hàng trở thành trung tâm của nền kinh tế số, tất cả hoạt động đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng, trong đó chú trọng vào trải nghiệm cho khách hàng, phân tích nhu cầu khách hàng, nhu cầu tiêu dùng, đề ra các sản phẩm, dịch vụ mới làm gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Thời gian qua, EVNNPC đã triển khai các dịch vụ như: Điện trực tuyến, trả tiền điện online, trả trước hay tương tác với khách hàng qua mạng xã hội đã là một bước tiến quan trọng.

Năm 2015, EVNNPC thực hiện phát hành hóa đơn điện tử. Năm 2017 đưa các dịch vụ điện trực tuyến vào hoạt động.  Năm 2018 đưa các dịch vụ thanh toán tương đương cấp độ 4.

Đến hết tháng 9/2018,  27 công ty Điện lực ở khu vực phía Bắc đã chuyển đổi, vận hành chính thức hệ thống CMIS 3.0, hoàn thiện hệ thống báo cáo, bổ sung chức năng phần mềm CRM, nâng cấp cổng thanh toán điện tử, trang bị hệ thống dự phòng tổng đài chăm sóc khách hàng, trang bị HSM, phần mềm quản lý chữ ký số nội bộ.

{keywords}
 

Tác động rõ rệt của CMCN 4.0 lên lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tiên là thay đổi cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý dự án, theo dõi dự án theo hướng chuyên nghiệp, tự chủ. Nhờ đó hiệu quả làm việc tăng cao, rút ngắn thời gian tìm kiếm, truy xuất, tổng hợp thông tin, phân tích chính xác các tình huống khó khăn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, EVNNPC đã nâng cấp “phần mềm truy thu, thoái hoàn do hư hỏng sai lệch về đo đếm, bồi thường trộm cắp điện” hiện có thành “phần mềm truy thu, thoái hoàn, bồi thường do hư hỏng sai lệch đo đếm, vi phạm sử dụng điện, vi phạm hợp đồng mua bán điện chạy trên nền web để sử dụng cho thiết bị di động”, đưa vào áp dụng trong toàn Tổng công ty từ đầu năm 2018.

Phần mềm mới nâng cấp toàn diện đã hỗ trợ hệ thống giám sát mua bán điện, thực hiện đầy đủ các chức năng cơ bản khi xử lý kết quả kiểm tra sử dụng điện của khách hàng từ khâu kiểm tra, lập biên bản, tính toán tại hiện trường đảm bảo xử lý nhanh gọn, chính xác vừa giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại của các bên.

Nhiều khó khăn và thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt EVNNPC trước nhiều thách thức nhất là bài toán dư thừa lao động. Để hóa giải “điểm nghẽn” này, công ty đã triển khai theo 3 hướng: Chủ động sắp xếp có chọn lọc và ưu tiên cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất trong thực hiện các công việc quan trọng ở các mức độ khác nhau (từ cán bộ quản lý đến công nhân kỹ thuật), nhiều trường hợp EVNNPC sẽ đào tạo lại tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.

Việc này sẽ tìm ra những lao động không còn phù hợp với cách thức kinh doanh mới, khi đó EVNNPC sẽ phối hợp với tổ chức công đoàn vận động nhân viên nghỉ chế độ dưới nhiều hình thức, vận dụng cơ chế chính sách đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho người lao động.

CMCN 4.0 sẽ mở ra cơ hội lớn cho EVNNPC trong tiến trình phát triển, phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu lĩnh vực phân phối điện của EVN  đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về cung ứng điện năng của mọi thành phần kinh tế, mọi khách hàng.

 Tuy nhiên  còn nhiều dịch vụ cần được phát triển để theo kịp xu thế CMCN4.0 chẳng hạn như: nắm bắt nhu cầu phụ tải của khách hàng theo từng thời điểm để có phương án vận hành, cấp điện tối ưu, giá điện được chia thành nhiều gói, nhiều mức khác nhau để đáp ứng nhu cầu, thời gian của từng đối tượng khách hàng, phối hợp với khách trong vận hành điện tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí.

Hà Nam