Lực đẩy mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách với toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng trong đại dịch, Việt Nam nổi lên như một ngoại lệ, vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch Covid-19 vừa là “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế. Để có được thành công này, bên cạnh những quyết sách đúng đắn của Chính phủ về đấu tranh chống dịch bệnh là nỗ lực tổ chức thực hiện chính xác những quyết sách đó của ngành y tế.

{keywords}
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: “Nhờ chuyển đổi số y tế, trong phòng chống Covid-19, công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19”. Bộ cũng đã đưa phần mềm DrAidTM ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng điều trị Covid-19 khi dịch bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng.

Cần sự chung tay của DN

Phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ như: 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số; bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm, 28.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế.

Dẫu vậy, quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế phía trước còn dài và sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó cần thêm nhiều nguồn lực công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực y tế chưa có nhiều, do đây là lĩnh vực cần kiến thức chuyên sâu, khó tiếp cận và thay đổi thói quen người dùng.

{keywords}
Ông Trương Quốc Hùng – Tổng Giám đốc VinBrain đại diện các doanh nghiệp chuyển đổi số y tế cùng đại diện Ban tổ chức chương trình Ehealth Vietnam Summit 2020

Ở một góc nhìn khác, Việt Nam có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ trong y tế như: sự quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ; sự đa dạng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của gần 100 triệu dân; hạ tầng thông tin internet, đám mây ổn định và chi dùng cho y tế đang tăng lên nhanh chóng. Việc giải quyết “bài toán” cho thị trường Việt Nam cũng sẽ là tiền đề để doanh nghiệp có thể mở rộng ra các nước khác trên thế giới.

Hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế, những tên tuổi lớn chủ yếu là các tập đoàn có nguồn lực mạnh về nhân lực và tài chính. Trong đó, Vingroup là một trong những cái tên nổi bật. Tập đoàn Vingroup trong 10 năm qua đã liên tục đầu tư vào ngành y tế với hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế và viện nghiên cứu Vinmec, Viện Khoa học Sức khỏe trực thuộc trường Đại học VinUni, công ty VinBrain chuyên sâu công nghệ AI, hay thông qua các quỹ đào tạo, học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Khoa học sự sống.

VinBrain (thành lập ngày 25/04/2019) là công ty con đầu tiên của Vingroup “nhập cuộc” và có sản phẩm DrAidTM - phần mềm trợ lý bác sĩ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ra mắt thị trường vào 14/06/2020. Sự kiện đánh dấu VinBrain trở thành công ty công nghệ đầu tiên ở Việt Nam ra mắt một sản phẩm AI cho y tế hoàn chỉnh.

DrAid™ là sản phẩm AI đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các dấu hiệu bệnh lý tim - phổi - xương dựa trên hình ảnh X-quang ngực thẳng. Đại diện VinBrain cho biết, sản phẩm được triển khai tới nhiều bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc.

{keywords}
 Giao diện DrAidTM

Đại diện VinBrain cho biết, DrAidTM hiện có khả năng chẩn đoán 19 dấu hiệu bệnh lý tim - phổi - xương với độ chính xác trên 88%. Cùng với đó, DrAidTM có thể chỉnh sửa báo cáo y tế bằng giọng nói (tiếng Việt) với tỷ lệ lỗi WER 8,93%. DrAidTM  là sản phẩm trí tuệ nhân tạo duy nhất trên thế giới tự động đưa ra báo cáo y tế với bản đồ nhiệt và kích thước khu vực tổn thương. DrAidTM cũng là ứng dụng y tế duy nhất được trao giải Nhì ở hạng mục "Giải pháp số xuất sắc" tại lễ trao giải thưởng quốc gia "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2020" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: “Cách mạng 4.0 không còn là điều lạ lẫm, xa vời mà đang hiện hữu. Trong tương lai không xa, 1 cái chíp gắn trên da sẽ đồng bộ với hồ sơ sức khỏe mỗi cá nhân, bác sĩ biết tình trạng bệnh nhân. “Mỗi người dân có 1 bác sĩ” là mục tiêu mà chỉ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới làm được”.

Ngọc Minh