Vì vậy, việc xây dựng một nhà máy xử lý nước thải công suất lớn mà Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần giải quyết vấn đề xử lý nước thải cũng như đảm bảo môi trường sống cho người dân thành phố.

Tỷ lệ đấu nối thoát nước chưa cao

Theo báo cáo kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, có tới hơn 95% số hộ gia đình trong địa bàn dự án Vệ sinh môi trường thành phố khu vực quận 2 hiện đang sử dụng nhà vệ sinh tự hoại, trong đó có tới 31,7% không để nước thải xả vào cống chung.

Các hộ này chủ yếu cho nước thải chảy vào hố đào tự thấm, số ít để chảy tự do ra đường. Trong khi đó, theo thống kê, toàn TP.HCM, hiện nước thải thu gom và xử lý được khoảng 21,2% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh.

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người dân biết lợi ích chính của việc đấu nối thoát nước là không mất vệ sinh và không còn mùi hôi thối, qua đó giúp thành phố thu gom được nước thải để xử lý tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, họ chưa được cung cấp thông tin về quy hoạch hệ thống thoát nước, chưa nắm được điều kiện, thủ tục, chi phí của việc đấu nối.

Đáng chú ý, đa số lo ngại thay đổi cấu trúc hệ thống thoát nước của gia đình. Ngoài ra còn có các lý do khác như hộ đang ở trong khu quy hoạch, nhà đang tranh chấp, không có tiền.  

Việc đấu nối thoát nước sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như không cho nước thải tự thấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước; nước thải không bị tràn ra đường gây mất vệ sinh cũng như không còn mùi hôi thối, qua đó giúp cho thành phố thu gom được nước thải để xử lý. Vì vậy, người dân được khuyến khích đấu nối thoát nước thải gia đình vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nam, ngụ tại 142C/57 đường Cô Giang, quận Phú Nhuận, TP.HCM (gần khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho biết, gia đình ông sống ở thành phố từ lâu, trước khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo, chỉnh trang nên gia đình có xây dựng nhà vệ sinh tự huỷ. Sau này gia đình ông đã đấu nối thu gom nước thải ra hệ thống thoát nước thải chung của thành phố. Việc đấu nối này đảm bảo vệ sinh cho gia đình, không còn mùi hôi, không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Đức Nam, người dân thành phố nên đấu nối thoát nước gia đình vào hệ thống cống thoát nước chung của thành phố, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân gia đình đồng thời giúp công tác xử lý nước thải của thành phố được thuận lợi và hiệu quả.

{keywords}
Kết quả khảo sát nhận thức của người dân về lợi ích đấu nối thoát nước thải sinh hoạt.

Cũng theo cuộc khảo sát cơ sở do đơn vị tư vấn truyền thông thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 thực hiện, để đấu nối thoát nước từ hộ gia đình ra hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố, nhiều người dân kiến nghị chính quyền cần công bố trước và sớm quy hoạch xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước và các điều kiện, thủ tục đấu nối đến từng tổ dân phố.

Nghiên cứu thiết kế mới, có giải pháp cải tạo các miệng cống, hố ga nhằm đảm bảo chặn rác chui vào đường ống, chặn mùi thoát ra từ miệng cống, hố ga đồng thời triển khai hệ thống thoát nước vào từng hẻm nhỏ, đặc biệt là hẻm nhỏ không có hệ thống cống chung. 

Nhiều lợi ích thiết thực 

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, quy hoạch cũ của thành phố trước năm 1975, trong đó có quy hoạch hệ thống thoát nước chỉ đáp ứng cho khoảng 2 triệu người. Sau 40 năm, dân số của thành phố tăng hơn 10 triệu người, chưa tính khách vãng lai dẫn tới hệ thống cống thoát nước quá tải. Trong khi đó, hầu hết hệ thống cống thoát nước được đầu tư từ lâu, có tiết diện nhỏ (trung bình từ 600 - 800mm), đã hỏng, xuống cấp nhưng chưa có điều kiện thay thế. 

Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép làm dòng chảy bị hẹp, tắc nghẽn hệ thống cống, cửa xả. Hiện nay, tổng chiều dài cống thoát nước trên địa bàn TP.HCM có 4.176 km, chỉ đáp ứng được gần 70% yêu cầu, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm.

Mạng lưới cống thoát nước, cửa xả đã được mở rộng và khôi phục ở một số khu vực qua Dự án Cải thiện Môi trường nước TP.HCM và Dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 1 để chuyển tải nước thải càng nhiều nước càng tốt về nhà máy xử lý nước thải.

Trong bối cảnh đó, theo Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, việc đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước và thu gom nước thải có ý nghĩa quan trọng, gắn với việc đấu nối thoát nước từ hộ gia đình. Để nhà máy xử lý nước thải hoạt động đủ công suất thì công tác đấu nối hộ gia đình là điều quan trọng, quyết định đến hiệu quả cuối cùng, bao gồm cả hiệu quả về môi trường, kinh tế và an sinh xã hội của hệ thống thoát nước và thu gom nước thải.

Tại quận 2, hiện nay, tất cả các khu quy hoạch xây dựng mới có quy mô từ 3 - 100ha, hệ thống thoát nước theo quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt sẽ là hệ thống thoát nước riêng, thu gom trực tiếp nước thải, không cần qua hầm tự hoại, không lẫn nước mưa, dễ dàng kiểm soát được mùi hôi. Đồng thời cho phép đơn vị quản lý theo dõi, kiểm tra và bảo trì việc sử dụng của các hộ dân.

{keywords}
Người dân sử dụng nước sinh hoạt

Quy hoạch cho hạng mục thoát nước thải đến 2020 của quận 2 đã định hướng cho dự án về việc bố trí các tuyến thoát nước thải (cấp 2) đi riêng và dọc theo các tuyến đường trục chính trong quận để thu gom về nhà máy xử lý nước thải.

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 sẽ  hoàn thiện quy trình thu gom - xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông, nhờ đó hệ sinh thái và vệ sinh môi trường lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ sẽ dần được khôi phục, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP.HCM và nhằm đạt mục tiêu cao nhất là cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Dự án triển khai xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng tại quận 2. Đây là hệ thống thoát nước có tuyến cống bao với các giếng tách, tách nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải.

Cụ thể, Dự án bao gồm 3 hợp phần chính, trong đó hợp phần 1 xây dựng tuyến cống bao từ giếng bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận 2 (dài 8km). Hợp phần 2 xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè (công suất thuỷ lực đến năm 2020 đạt 480.000 m3/ngày và 34.000 m3/h) và hợp phần 3 xây dựng mạng lưới công thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2.

Theo Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, trong thời gian dự án, người dân trong khu vực dự án ở 7 phường thuộc quận 2 khi tham gia đấu nối thoát nước và thu gom nước thải sẽ được miễn 100% chi phí lắp đặt trong 3 lưu vực đấu nối, thay thế, lát lại sàn mới.

Sau khi nhà máy xử lý nước thải của dự án xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi hoàn thành và đi vào hoạt động, các hộ gia đình xây dựng nhà mới tại địa bàn sẽ không cần thiết phải xây hầm cầu mà có thể đấu nối trực tiếp vào tuyến cống thu gom nước thải của dự án.

Như vậy, việc nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường sẽ góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương và bảo vệ môi trường sông Sài Gòn, giảm được nguy cơ bệnh tật do nước thải gây ra, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời, từng bước chỉnh trang bộ mặt đô thị, văn minh sạch đẹp.

Về thủ tục thoả thuận đấu nối thoát nước hộ gia đình, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM: Việc đấu nối thoát nước căn cứ vào Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/08/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20/2/2014 ban hành Quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM; Quyết định số 185/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND TP.HCM về quản lý bảo vệ công trình thoát nước công cộng trên địa bàn TP.HCM, Quyết định số 4576/QĐ-UBND ngày 28/10/2008 của UBND TP.HCM về giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố thay mặt, giúp UBND thành phố làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có nhu cầu đấu nối để thoát nước mưa, xả nước thải vào hệ thống thoát nước của thành phố cần có đơn đề nghị về đấu nối cống nhánh vào hệ thống thoát nước của thành phố; bản sao y có chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền một trong các giấy tờ về pháp lý đất (như giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, Giấy phép xây dựng nếu xây dựng mới, …), các văn bản liên quan đến khu đất nếu có; văn bản thỏa thuận đấu nối của đơn vị thiết kế thi công cho hộ gia đình xin phép đấu nối; bản sao y có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị thiết kế thi công; bản vẽ thiết kế thi công đấu nối… Hồ sơ gửi về
Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích ở 24 quận huyện hoặc Công ty CP kiểm định xây dựng Trọng Tín…

Người dân tham khảo trên trang web của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước tại https://bit.ly/3k7Flre hoặc Sở Giao thông vận tải tại website: https://bit.ly/3hhEpyM

(Nguồn: Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM)