Trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục an toàn Thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. 

Cục an toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế) vừa tổ chức hội nghị báo cáo sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2018, tình hình thực hiện nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Đáng chú ý nhất là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thay thế nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm. Với quy định này,  các doanh nghiệp được quyền tự công bố sản phẩm đối với đa số nhóm sản phẩm hàng hóa và thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành. Điều này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý an toàn thực phẩm thông qua việc hậu kiểm.

{keywords}
 

Bên cạnh đó, những hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, Bộ y tế đã phối hợp với các bộ ngành thực hiện việc triển khai nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 và được Quốc hội đánh giá cao với các kết quả cụ thể. So với cùng kỳ năm 2017 số vụ, số người mắc, số đi viện, số tử vong do ngộ độc thực phẩm đều giảm đáng kể.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, 67 hành vi vi phạm về quảng cáo (phạt hơn 2,5 tỷ đồng), 19 hành vi vi phạm về chất lượng (phạt hơn 1,2 tỷ đồng), 14 cơ sở không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định (phạt hơn 439 triệu đồng)…

Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu SX, kinh doanh hàng giả; chuyển Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm như quảng cáo quá mức, quảng cáo khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung... Tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, điện thoại… đang hình thành khá phổ biến. Các trường hợp kinh doanh thực phẩm xách tay cũng chưa được kiểm soát, tạo cơ hội kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái lưu hành.

{keywords}
 

Trong thời gian tới, để hạn chế tình trạng trên, Cục trưởng Cục ATTP đề nghị, các đơn vị liên quan cần tiếp tục công tác truyền thông về ATTP, chính sách pháp luật về ATTP; tiếp tục tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện và xã cần tăng cường công tác hậu kiểm… 

Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong cũng dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của phóng viên,theo ông Nguyễn Thanh Phong, từ nay tới cuối năm, hoạt động bảo đảm ATTP sẽ được triển khai hết sức mạnh mẽ trên cả nước. Xử lý nghiệm với những đơn vị có sản phẩm không đăng ký vẫn công bố, quảng cáo, buôn bán trên thị trường. Bên cạnh đó, việc hậu kiểm phải là hoạt động ưu tiên số một.

Doãn Phong