- Rốt cục VTV đã có bản quyền World Cup 2018, nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán mua bản quyền truyền hình các giải đấu lớn như World Cup, Euro, VTV đã không thể chốt sớm với đối tác. 

4 kỳ World Cup suôn sẻ

Trong 4 kỳ World Cup gần nhất, VTV là đơn vị mua bản quyền truyền hình tới 3 lần. Tại World Cup 2006, FPT đã mua gói bản quyền được cho là có giá 2 triệu USD. Sau đó, FPT đã giao cho công ty con FPT Media thực hiện dự án.

Năm đó, FPT hiện đã có trong tay bản quyền 64 trận đấu, lễ khai mạc, bế mạc, bốc thăm, trao giải và 16 chương trình trước World Cup kể từ tháng 7/2006 đến tháng 2/2007 (6 tháng sau khi World Cup kết thúc) vì còn liên quan đến lễ trao giải cho cầu thủ xuất sắc nhất World Cup vào đầu năm 2007.

Ở World Cup 2010, khi giá cả leo thang, FPT và rất nhiều nhà đài đã phải rút lui, và VTV trở thành đơn vị truyền hình có tiềm lực tài chính tốt nhất lúc bấy giờ đứng ra đàm phán với đối tác Dentsu Alpha.

{keywords}
VTV từng đàm phán rất thuận lợi vụ mua bản quyền World Cup 2010

Quá trình thương thảo diễn ra khá nhanh và thuận lợi khi Dentsu Alpha nhanh chóng đồng ý để VTV trở thành đài truyền hình sở hữu bản quyền phát sóng mặt đất của World Cup và cả Cúp Các Liên đoàn châu lục.

Còn nhớ thời điểm đó, VTV đã sớm chốt được vụ mua bản quyền, và công bố trước khi World Cup khai mạc 1 tháng.

Tại World Cup 2014, MP&Silva tiếp tục là đơn vị phân phối bản quyền truyền hình World Cup trên lãnh thổ Việt Nam. Với mối quan hệ sẵn có từ trước, lại hiểu nhau trong công việc kinh doanh, hai bên tiếp tục không gặp vướng mắc lớn nào.

Thậm chí ở kỳ World Cup này, trước sự “mặc cả” của VTV, MP&Silva đã phải hạ giá, được cho là xuống 7 triệu USD. Thương vụ này cũng được VTV chốt sớm 1 tháng trước ngày World Cup khởi tranh.

World Cup năm nay, giá bản quyền đã tăng gấp đôi, lên tới 14 triệu USD và đối tác nhất định “không bớt một xu”. Đó là lý do mà phải đến hôm nay, VTV mới cơ bản thỏa thuận xong với đối tác để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Qua rồi thời căng thẳng chạy đua

Khoảng 10 năm về trước, những giải đấu như World Cup hay Euro luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đài Việt Nam.

Với vị thế của đài truyền hình quốc gia, VTV luôn đi tiên phong, nhưng cũng từng có giai đoạn “toát mồ hôi” khi phải đấu lại “gà nhà”.

{keywords}
Dù giá leo thang nhưng VTV vẫn luôn chốt sớm bản quyền các giải đấu lớn như World Cup hay Euro, nhưng lần này thì khác

Còn nhớ ở Euro 2008, có 14 nhà đài, công ty vào cuộc đua mua bản quyền truyền hình, dù mức giá khi đó được đối tác đưa ra thậm chí còn đắt hơn cả World Cup. Các nhà đài lớn vì áp lực phục vụ khán giả rất lớn nên không thể đứng ngoài cuộc.

“Phải mua được bản quyền Euro bằng mọi giá” luôn là tuyên bố của các nhà đài khi đó, và cuối cùng thì VTV là người giành chiến thắng.

Đến Euro 2012, xu thế mua bản quyền đã có thay đổi khi các đài hợp sức cùng mua, rồi chia sẻ nhằm giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ phục vụ người xem.

Từ tháng 4/2011, đại diện của VTV đã tiếp xúc với Sport Five (S5) – đối tác nắm thương quyền Euro 2012. Năm đó, đối tác đưa ra giá 5 triệu USD nhưng VTV không chấp nhận. Vụ đàm phán chốt lại và được VTC công bố vào tháng 3/2012, tức là vài tháng trước khi Euro khởi tranh.

Kỳ Euro 2016 VTV tiếp tục là đơn vị đàm phán và mua được bản quyền, được công bố vào ngày 14/4/2016, sớm trước giải đấu tới gần 2 tháng.

Song Ngư