- Shanghai SIPG vừa gây chú ý với bản hợp đồng Oscar, và đội bóng sắp tròn 11 tuổi này đang cố thể hiện mình là MU của người Trung Quốc.

Từ sân chơi cho trẻ em

Xu Genbao là một cái tên đặc biệt với nền bóng đá Trung Quốc nói chung, và đặc biệt là lịch sử Shanghai SIPG nói riêng.

Ngày 16/5/2000, Xu - một cựu tuyển thủ Trung Quốc và có nhiều thập niên làm HLV - chính thức khánh thành học viện bóng đá Genbao. 96 trẻ em sinh trong giai đoạn 1988-1991 là những học viên đầu tiên.

{keywords}

Xu Genbao, người xây dựng nền móng cho MU của Trung Quốc

Học viện Genbao được xây dựng trên mảnh đất khoảng 100 mẫu, bên cạnh là 300 mẫu rừng, và có 2 dòng suối bao quanh. Học viện nằm rất xa trung tâm thành phố, có môi trường tự nhiên độc đáo, rất trong lành. Đó thực sự là môi trường thoải mái cho thanh thiếu niên phát triển.

Phần lớn sân tập là cỏ được nhập từ Đức. Không chỉ có sân tập bóng đá, mà học viện Genbao như một khu thể thao giải trí phức hợp, có tổng diện tích các phòng nghỉ khoảng 7.000m2, cùng với khu tham quan du lịch.

Mục tiêu của Xu là khu phức hợp có thể tạo doanh thu để dùng làm kinh phí cho việc đào tạo. Cùng với việc phát triển bóng đá, Xu Genbao còn đề cao việc giáo dục con người, nên cần khoản chi phí rất lớn.

Trước khi khu phức hợp có thể sinh lợi nhuận, Xu đã phải bỏ tiền túi để trang trải chi phí. Chỉ riêng chi phí trang phục đã chiếm khoảng 2 triệu Nhân dân tệ mỗi năm (khoảng hơn 6,5 tỉ VNĐ). Xu đồng thời liên hệ với các trường học quanh vùng để kết họp dạy văn hóa cho cầu thủ trẻ. Mỗi ngày, cùng với tập bóng đá, các cầu thủ học viện dành nửa ngày để học chương trình giáo dục chuẩn quốc gia.

Song song với đó, Xu mời các chuyên gia đào tạo trẻ từ nhiều nền bóng đá phát triển. Quỹ lương cho các chuyên gia trẻ cũng rất cao, vượt quá 500.000 NDT. Ông cũng kết hợp với một số mô hình của các trung tâm bóng đá phát triển nhất châu Âu, trong đó có Barca.

Mô hình của Xu nhanh chóng tạo được sự chú ý trong dư luận Trung Quốc. Ủy ban thể thao quốc gia và Hiệp hội bóng đá Trung Quốc cũng đã có sự hỗ trợ nhất định về nhiều mặt cho học viện Genbao.

“Một cái nôi mới của bóng đá, niềm hy vọng không chỉ của Trung Quốc, mà cả thế giới”, cựu chủ tịch Ủy ban thể thao quốc gia Trung Quốc - ông Wu Shaozu - dành lời khen cho mô hình mà Xu xây dựng.

Zhenliang, phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia, năm 2004 đã đến thăm học viện Genbao. Trước khi ra về, ông Zhenliang nhấn mạnh với Xu đúng 10 từ: “Ông đã thành công, và ông sẽ còn thành công”.

Bước lên chuyên nghiệp

“Ở Genbao, dạy làm người trước khi dạy bóng đá”, Wu Shaozu khen ngợi. Các cầu thủ học viện trước hết phải học được cách tôn trọng HLV, tôn trọng giáo viên, tôn trọng cha mẹ, tôn trọng công nhân của học viện, tôn trọng đồng đội…

Ban đầu, Xu không có ý định thành lập một CLB bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông dần cảm nhận được các tài năng triển vọng của học viện không có cơ hội cạnh tranh để phát triển.

{keywords}

Hulk là ngôi sao lớn đầu tiên đến Shanghai SIPG

Năm 2005, CLB Shanghai Dongya ra đời, và thi đấu ở League Two. Cao Yunding, xuất thân từ Genbao, trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc, 16 tuổi và 242 ngày. Trong khi đó, Wu Lei lập kỷ lục cầu thủ chuyên nghiệp trẻ nhất, khi mới 14 tuổi và 287 ngày.

Chỉ sau 2 mùa giải ở League Two, các chàng thanh niên của Genbao giành quyền lên hạng League One (tương đương giải hạng nhì).

Lịch sử của Shanghai Dongya, mà nền tảng là học viện Genbao, bước sang trang mới vào năm 2013, khi họ bước lên thi đấu ở Chinese Super League. Có nghĩa là chỉ 8 năm sau khi thành lập, CLB của Xu Genbao đã bước lên giải đấu cao nhất bóng đá Trung Quốc.

MU của Trung Quốc

Trong quá trình thi đấu chuyên nghiệp, Shanghai Dongya nhận được tài trợ của Cảng quốc tế Thượng Hải từ năm 2012, lên đến 40 triệu NDT.

Những thành công vượt trội của Shanghai Dongya đã khiến Cảng quốc tế Thượng Hải quyết định bỏ tiền tiếp quản luôn CLB, vào cuối năm 2014. Đầu năm 2015, Shanghai SIPG chính thức xuất hiện.

{keywords}

Sau Villas-Boas, và sắp tới là Oscar, Shanghai SIPG đang sẵn sàng chinh phục châu Á

Mùa Hè 2016, Shanghai SIPG tạo phi vụ đình đám khi mua Hulk, tuyển thủ Brazil, với chi phí 55,8 triệu euro. Đồng thời, Hulk nhận lương 20 triệu euro mỗi năm, cao hơn Cristiano Ronaldo và đứng chung ngôi số 1 thế giới với Lionel Messi.

Tháng trước, HLV Andre Villas-Boas cũng cập bến đội bóng, thay thế nhà cầm quân lão luyện Sven-Goran Eriksson - cựu HLV trưởng tuyển Anh.

Mới đây, về sơ bộ Shanghai SIPG cũng hoàn thành việc chiêu mộ Oscar từ Chelsea với giá chuyển nhượng kỷ lục châu Á - 52 triệu bảng (60 triệu euro). Đây là phi vụ để đội bóng khẳng định sức mạnh tài chính hùng hậu và tham vọng của mình.

Hiện tại, Shanghai SIPG là CLB bóng đá có giá trị thương mại lớn thứ 3 Trung Quốc. Tạp chí Forbes đánh giá Shanghai SIPG có giá trị 159 triệu USD, và bản hợp đồng Oscas sẽ củng cố hơn nữa sức mạnh về mặt thương mại.

Oscar cũng như một bản hợp đồng để Shanghai SIPG kỷ niệm sinh nhật lần thứ 11. Họ thành lập đúng vào ngày Giáng sinh (25/12).

Từ Hulk đến Oscar, và sẽ có những tên tuổi khác được đưa về. Phía sau đó là gì? Không đơn thuần là việc ném tiền mua ngôi sao.

Các ngôi sao cũng sẽ không đến Shanghai SIPG chỉ vì tiền, khi mà họ đang ở đỉnh cao phong độ. Đơn giản, mô hình làm việc của SIPG và tham vọng vươn lên đẳng cấp thế giới của đội bóng non trẻ này đã thu hút các cầu thủ lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà Shanghai SIPG đang được mệnh danh là “MU của Trung Quốc”. Trong bối cảnh nền bóng đá nước này đang phát triển, trở thành cuộc chơi của các tỉ phú và tập đoàn kinh tế hùng mạnh, chỉ có Shanghai SIPG mới được ví von là “MU của Trung Quốc”, nhờ vào mô hình phát triển từ nền tảng trẻ đến khía cạnh chuyên nghiệp.

Tham vọng của “MU Trung Quốc” là lật đổ Guangzhou Evergrande ở Chinese Super League 2017, và chinh phục AFC Champions League - giải đấu mà họ tham dự từ vòng play-off.

Kim Ngọc