- Các xạ thủ Việt Nam vẫn thường trêu đùa nhau: “Bắn súng Việt Nam so với bạn bè quốc tế chẳng khác nào….thời kỳ đồ đá”. Cái câu nói ấy, ám chỉ về sự lạc hậu của súng ống, đạn dược, trường bắn. Thế mà, với truyền thống “đánh giặc bằng vũ khí thô sơ”, bắn súng Việt Nam vẫn lập biết bao chiến công hiển hách, đặc biệt là tấm HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Súng mới chỉ để ngắm, đạn phải đi vay

Trước thềm Olympic 2012, một chuyện bi hài đã xảy ra với đội súng ngắn. Sau khi giành vé tham dự Olympic, đội súng ngắn mới được trang bị một khẩu súng mới hiệu Morini CM 162 EI sản xuất tại Thụy Sỹ, để phục vụ việc tập luyện.

{keywords}

Bia giấy vẫn còn sử dụng ở trường bắn Nhổn, dù khi thi đấu các VĐV phải bắn bia điện tử

Đây là đòi hỏi cấp bách bởi tại Olympic, các xạ thủ đều dùng súng có cò điện tử, áp lực cò cân bằng hơn. Ở đội tuyển bắn súng, việc được cấp súng mới, các xạ thủ giữ chẳng khác nào báu vật. Tuy nhiên đó không phải là lý do khẩu súng có giá trị lên tới hàng nghìn USD này ít được mang ra dùng. Theo giải thích của xạ Hoàng Xuân Vinh, hóa ra súng mới nhưng muốn dùng phải mất nhiều thời gian để gọt báng cho vừa tay. Nếu như các xạ thủ nước ngoài, khi mua súng mới họ có máy để cân chỉnh theo đúng cỡ tay của người cầm thì ở Việt Nam, chủ yếu các xạ thủ tự gọt báng súng bằng phương pháp thủ công là chính.

Thế mới có chuyện ở đội tuyển bắn súng, các xạ thủ luôn được ví như những nhà điêu khắc bậc nhất trong các đội tuyển. Có súng mới mà không dùng được đã buồn, các xạ thủ còn buồn hơn khi không có nhiều đạn để tập luyện. Thường thì mỗi ngày các xạ thủ hàng đầu như Xuân Vinh, Minh Thành...chỉ được bắn khoảng…vài chục viên đạn “xịn”, còn đâu chủ yếu tập bằng đạn loại 2, loại 3 cho rẻ tiền. Chỉ có điều, tiền nào của ấy và ai cũng thừa nhận, bắn chẳng sướng tay chút nào!. Hết đạn, nhiều khi các xạ thủ phải đi vay của quân đội.

{keywords}

Các xạ thủ chỉ thích được đi tập huấn vì đạn “xịn” bắn thoải mái cả ngày, thành tích lên hẳn. Nhưng tập huấn vốn luôn là thứ xa xỉ, ngay cả những xạ thủ hàng đầu cũng chỉ được đi trước giải đấu diễn ra tầm khoảng 1 tháng.

Tập bia giấy, thi bia điện tử

Trường bắn tại Trung tâm Nhổn được xây dựng từ năm 2003 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Đã thế, cơn mưa lịch sử năm 2008 đã khiến cả hệ thống bắn đĩa bay tự động trở thành khối sắt vụn. Vứt thì phí mà sửa thì đắt, nên các xạ thủ chủ yếu vừa tập vừa khởi động máy bằng phương pháp thủ công, tức là dùng tay thay vì có chế độ tự động.

Trường bắn đĩa bay đã vậy, trường bắn bia (cố định, di động) cũng thảm không kém. Đến thời điểm này, các xạ thủ của Việt Nam vẫn phải tập với bia giấy (bia cơ) đã lạc hậu. Một trường bắn dùng bia giấy như ở Nhổn giờ là “của hiếm” ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, bởi như Lào cũng đã đầu tư xây dựng trường bắn bia điện tử cách đây khá lâu.

{keywords}

Vượt lên gian khó, Xuân Vinh vẫn lập kỳ tích cho bắn súng nước nhà

Trưởng bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) Nguyễn Đức Uýnh cho biết: “Hệ thống bia cơ tại Trung tâm đã quá lạc hậu. Đành rằng quá trình tập luyện có thể sử dụng hệ thống bia cơ, song cần có một trường bắn điện tử đạt chuẩn để các tuyển thủ được làm quen với môi trường thi đấu quốc tế”.

Việc không được luyện tập bắn bia điện tử, khiến các xạ thủ Việt Nam thiệt thòi thấy rõ mỗi khi tranh tài ở các giải đấu quốc tế. HLV Nguyễn Thị Nhung thừa nhận: “Việc không được tập luyện với bia điện tử khiến các xạ thủ gặp rất nhiều khó khăn khi cần phải có thời gian để làm quen trước các giải đấu. Thường các giải quan trọng, các xạ thủ được đi tập huấn ngắn ngày, nhưng có những lúc chủ yếu tập chay vì kinh phí hạn hẹp. Cảm giác giữa bia cơ và bia điện tử là hoàn toàn khác nhau, dẫn đến những phản xạ cũng khác nhau. Chính vì thế, xạ thủ nào không thích nghi tốt, sẽ rất bất lợi. Điều đó cũng lý giải vì sao, các xạ thủ trẻ khi đi thi đấu quốc tế thường không có thành tích như mong muốn”.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng bắn súng Việt Nam vẫn luôn đứng đầu khu vực và vừa lập kỳ tích tại Thế vận hội với tấm HCV, lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, những câu chuyện vượt khó của họ ít được nhiều người biết đến và bản thân các xạ thủ, cũng mong muốn được “lên đời” giống như đồng nghiệp các nước, nhưng vẫn chỉ là niềm mong mỏi.

Đại Nam