Tàn khốc...

Giống như vài năm gần đây, số lượng các thầy ngoại cầm quân ở V-League là rất ít, khi bắt đầu mùa bóng có 3 ông thầy gồm Fabio Lopez (Thanh Hoá), Lee Tae Hoon (HAGL) và Chung Hae Seong (CLB TPHCM) trong tổng số 14 chiến lược gia ở giải đấu cao nhất Việt Nam.

Thế nhưng, chỉ sau 3 vòng đấu nhà cầm quân người Italia đã phải nói lời chia tay Thanh Hóa trong cay đắng, bởi không giúp đội nhà có được kết quả như trông đợi, dù mới ký hợp đồng vào đầu mùa.

{keywords}
HLV Fabio Lopez là người đầu tiên mất ghế

Mới nhất, đến lượt HLV Chung Hae Seong cũng phải rời cương vị tại CLB TPHCM, với cùng lý sau chuỗi 5 trận đấu không thành công, bị bỏ khá xa trong cuộc đua vô địch.

“Bộ óc ngoại” duy nhất còn lại đến lúc này là người đồng hương của ông Chung – HLV Lee Tae Hoon thực tế cũng suýt mất ghế khi gặp nhiều áp lực sau trận thua Nam Định ở Cúp Quốc gia hồi đầu mùa.

Nhìn vào số lượng các HLV ngoại cầm quân ngày càng ít đi, cũng như nguy cơ 'bay ghế' cao, có vẻ như V-League thực sự không dành cho các ông thầy ngoài biên giới Việt Nam, bất chấp khi ký hợp đồng được kỳ vọng rất lớn.

... và cả thiếu chuyên nghiệp

Không phải bây giờ V-League mới là “vùng đất dữ” đối với các chiến lược gia người nước ngoài, thực tế kể từ khi lên chuyên nghiệp tới lúc này có quá ít người thành công so với sự chờ đợi của một nền bóng đá đi sau như Việt Nam.

Nếu chỉ ra những HLV ngoại thành công nhất trong lịch sử V-League, ngoài ông Calisto (ĐT.LA) thì chỉ còn có nhóm thầy ngoại đến từ Thái Lan tại HAGL trong thời bình minh của giải đấu cao nhất Việt Nam.

{keywords}
kế tiếp là HLV Chung Hae Seong để V-League thực sự là lò xay thầy ngoại

Phần còn lại gần như không thể đem đến thành công, bất chấp được coi có sự hiểu biết lớn với bóng đá Việt Nam từ ông Riedl cho đến HLV Chung Hae Seong (cần nhắc lại, chiến lược gia người Hàn Quốc có 3 năm làm quen, bắt tay vào việc cho đến lúc mất ghế).

Nhìn vào những lần đến và đi của thầy ngoại ở V-League đến lúc này tưởng chừng giải đấu khốc liệt, nhưng thực ra đó chỉ là phần nổi, còn “tảng băng chìm” lại nằm ở chính bản chất của giải đấu. Có nghĩa V-League mới chỉ lương chuyên nghiệp trong tấm áo nghiệp dư.

Nói rõ hơn, hầu hết những HLV ngoại quốc đến V-League đều mang trên mình sự kỳ vọng lớn từ các ông bầu, ông chủ đội bóng. Tuy nhiên, kiến thức cho đến cách làm hiện đại từ những bộ óc ngoại không phù hợp với cầu thủ, cho tới CLB tại Việt Nam.

{keywords}
kể cả là tài năng như ông Petrovic

Chẳng phải tự nhiên, cựu HLV Ljupko Petrovic - người từng dẫn dắt CLB Red Star Belgrade giành cúp C1 châu Âu vào năm 1991, có bề dày kinh nghiệm huấn luyện ở châu Âu và châu Á vốn đưa Thanh Hoá giành á quân V-League phải thốt lên khi rời đội bóng xứ Thanh rằng: Cầu thủ Việt Nam quá lười biếng.

Không chỉ thiếu thích ứng với các cầu thủ, ngay cả mối quan hệ cùng lãnh đạo CLB cũng hiếm khi “cơm lành canh ngọt”, bởi nhiều ông bầu, trưởng đoàn... vẫn thích can thiệp vào chuyên môn hơn là quản trị nhân sự, hành chính... ở đội bóng.

Đây cũng lý do mà người mới mất việc tại V-League là ông Chung Hae Seong chấp nhận thất nghiệp, thay vì gật đầu ngồi vào chiếc ghế vô thưởng vô phạt GĐKT mà CLB TPHCM muốn trao cho mình cho tới lúc kết thúc hợp đồng.

V-League không hợp, hay HLV ngoại chẳng thuộc về V-League kiểu gì cũng đúng. Nhưng chắc chắn một điều, bóng đá Việt Nam còn rất lâu nữa mới có thể sử dụng tốt thầy ngoại khi mà khái niệm chuyên nghiệp mới chỉ... sơ sơ!

Xuân Mơ