Phòng cầu thủ như dân lao động nghèo

Nằm trên con đường đẹp nhất nhì thành phố, Trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên được xây dựng từ năm 2005 đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Gần 20 đội tuyển với khoảng 180 VĐV ăn tập nơi đây đang phải nỗ lực vượt khó để đảm bảo thành tích cho ngành thể thao của tỉnh.

Trong cái khó chung, đội bóng đá nữ được xem như “con nhà nghèo” của trung tâm. 20 cầu thủ có độ tuổi từ 14 đến 29 vẫn tự an ủi nhau rằng, rồi một ngày nào đó đội sẽ phất lên. Tất cả động viên nhau cùng cố gắng, chơi bóng vì đam mê để quên đi những sự thiếu thốn tưởng như chỉ có ở vài thập niên trước.

{keywords}
Cầu thủ nữ Thái Nguyên trong căn phòng của mình. Ảnh S.N

Ba căn phòng dành cho đội bóng đá nữ đều cũ kỹ, ẩm thấp, rộng khoảng 15m2, với những mảng tường bong tróc được dán che lại bằng giấy, còn trên trần thì mốc xanh mốc đỏ. Mỗi phòng có 5-6 cầu thủ ở.

Vẫn biết bóng đá nữ khó khăn, báo đài cũng nói nhiều, nhưng có tận mắt chứng kiến cuộc sống bên ngoài sân cỏ của các chị em mới thấy họ thực sự là những chiến binh, những người vượt khó số 1 ở cái môn thể thao thiên về dành cho nam này.

Đồ đạc trong phòng của các cầu thủ bóng đá nữ Thái Nguyên chỉ là những cái giường cũ, chăn màn dùng nhiều năm, hai cái quạt, ít bát đĩa, xoong nồi để tự nấu ăn khi đói.

Ngay cả cái gương để chị em trang điểm son phấn mỗi khi đi chơi hay bôi kem chống nắng khi ra sân tập, là cánh cửa tủ được lấy ở đâu đó dựng vào tường, ngay bên cạnh là rất nhiều quần áo, giày dép…

Nơi ở chẳng khác nào phòng trọ của dân lao động nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng dường như tất cả cũng đã quen, vì bao năm vẫn vậy. Tuy nhiên, điều mà các cầu thủ sợ nhất là mùa hè, nhiệt độ lên gần 40 độ C không có điều hoà, nằm như “tra tấn”.

{keywords}
Chiếc gương "tự chế" của các cầu thủ nữ Thái Nguyên. Ảnh S.N

Để đối phó với sự nóng nực ấy, các cầu thủ tự bỏ tiền ra mua chiếu trúc, rồi lấy nước lau liên tục để làm mát. Những hôm mất điện, thì thôi coi như xác định mất ngủ, ra ban công hóng gió, cùng nhau… bắt muỗi.

Sự hãnh diện nhất của các cô gái trong căn phòng chẳng ai muốn ở như thế là những đôi giày thi đấu. Mỗi năm các cầu thủ được mua một đôi giày mới theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, tức là chỉ được trung tâm hỗ trợ một phần nào về tiền.

Những đôi giày với đủ thương hiệu, màu sắc được để ở phía ngoài hành lang, chính là thứ tài sản đáng quý nhất với đội bóng đá nữ Thái Nguyên. Họ vẫn đùa nhau rằng, mất gì thì mất, mất giày thì chẳng khác nào mất… nghiệp.

Xin nghỉ đi làm công nhân vì tiền không đủ ăn

Quân số đội tuyển bóng đá nữ Thái Nguyên luôn dao động, chỉ đông nhất khi có giải. Còn hiện tại, khi giải nữ VĐQG 2019 đã kết thúc, nhiều cầu thủ đã xin nghỉ để đi làm công nhân. Nói như những cầu thủ này, họ chẳng muốn bỏ bóng đá, nhưng nếu ở lại, thì tiền đâu để nuôi bản thân, chứ chẳng nói gì tới gia đình.

{keywords}
Nguyễn Thị Quỳnh phải xin nghỉ để đi làm công nhân. Ảnh S.N

Cầu thủ Nguyễn Thị Quỳnh là một trong những người phải đi “canh tác” như thế. Quỳnh tâm sự: “Em yêu bóng đá, yêu các đồng đội lắm, nhưng mức hỗ trợ về tiền chế độ chẳng đủ ăn, buộc phải xin nghỉ đi làm công nhân. Khi nào có thời gian hoặc có giải em lại xin nghỉ ở nhà máy để về tập cùng đội bóng”.

Quỳnh cho biết, làm công nhân mỗi tháng cô được nhận khoảng 7-8 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần thu nhập với một cầu thủ. Đó là số tiền mới đủ để giúp Quỳnh trang trải cuộc sống hàng ngày.

Trong đội có rất nhiều trường hợp đi đi, về về như Quỳnh. Theo HLV Đoàn Việt Triều, trong khoảng 3 năm trở lại đây, có gần 20 cầu thủ xin nghỉ đi làm công nhân. Trung tâm và ban huấn luyện đội bóng cũng chẳng thể cấm được họ, vì ai cũng biết nếu ở lại thì chẳng có tiền mà ăn, thiếu thốn đủ thứ.

Mỗi ngày cầu thủ được 100 nghìn tiền ăn, 60 nghìn tiền công. Nếu trừ ngày nghỉ đi mỗi tháng cầu thủ chỉ có hơn 1 triệu. Nếu không vì đam mê chơi bóng, thì đội cũng không thể duy trì được đến bây giờ. Nhưng nếu cứ như tình hình này, tôi lo sẽ có nhiều cháu xin nghỉ, đội bóng vì thế cũng chẳng có người mà tham dự giải”, HLV Đoàn Việt Triều chia sẻ.

Trong cái khó ấy, các cầu thủ vẫn phải tự đóng một phần phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chưa kể phải tự mua kem chống nắng, các đồ dùng cá nhân, nên nếu không chi tiêu hợp lý, sẽ bị “âm” tiền.

{keywords}
HLV Đoàn Việt Triều trăn trở với tình cảnh rất khó khăn của bóng đá nữ Thái Nguyên. Ảnh S.N

Trung vệ, đội trưởng Trần Thị Thuý Nga – cầu thủ lớn tuổi nhất ở đội bóng, cho biết: “Chúng tôi hầu như phải tự mua mọi thứ, ai không có phải đi vay. Ngay cả đôi giày đá bóng các cầu thủ cũng phải trả một phần tiền của mình.

Vì đam mê nên chúng tôi cố gắng động viên nhau, còn nhiều người cũng bỏ đi làm công nhân hay các công việc khác để có tiền. Với cá nhân tôi, dù khó khăn thì vẫn cố ở lại để dìu dắt các em. Nhưng nói thật là nhìn sang các đội bóng khác, thấy tủi thân vô cùng”.

Không thể níu kéo

Trước tình trạng hàng loạt cầu thủ xin nghỉ đi làm công nhân, HLV Đoàn Việt Triều chỉ biết thở dài: “Chẳng thể cấm được họ. Chung quy cũng vì không có tiền. Chúng tôi chỉ biết động viên các cầu thủ cùng nhau vượt khó, chứ không níu kéo được khi các cháu xin nghỉ. Họ rất lo lắng cho cuộc sống gia đình mình. Ngay cả bản thân chúng tôi cũng chỉ có thu nhập theo hệ số lương nhà nước, hầu hết phải dạy thêm bóng đá ở ngoài để có thêm tiền.

{keywords}
Nhiều cầu thủ phải rời khỏi đội bóng để tự giải cứu lấy mình. Ảnh S.N

Bóng đá nữ Việt Nam lọt Top châu Á, thậm chí thế giới, nhưng với bóng đá nữ Thái Nguyên thì nghèo muôn thuở. Chúng tôi trăn trở lắm, cũng nhiều lần mong lãnh đạo tỉnh tìm kiếm nhà tài trợ, nhưng chẳng có mấy doanh nghiệp quan tâm, hoặc có thì sau một mùa giải cũng chia tay”.

Phó Giám đốc trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên Phạm Ngọc Quang cho biết: “Cả trung tâm mỗi năm có hơn 10 tỷ tiền ngân sách nhà nước, được chi cho gần 20 đội tuyển với 180 VĐV. Các môn khác VĐV còn theo được vì họ có thành tích, nhưng bóng đá nữ thì khó nhất.

{keywords}
 
{keywords}
Có thời điểm 5-6 cầu thủ xin rời đội vì cần kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ảnh S.N

Nhiều cầu thủ chúng tôi đào tạo 3-4 năm xong không giữ được. Thực ra hợp đồng có quy định phạt nhưng cũng chỉ mang tính chất doạ thôi. Các cầu thủ nghèo quá nên mới phải bỏ đi, ai lỡ phạt họ”.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trong cái khó, cái khổ đến khó tin, nhưng các cô gái bóng đá Thái Nguyên vẫn duy trì tập luyện đều đặn ngày hai buổi, bất kể nắng mưa. Xếp thứ 5/7 ở giải VĐQG và giành HCĐ ở Cúp quốc gia 2019 chính là sự khích lệ rất lớn với thầy trò HLV Đoàn Việt Triều.

Với thành tích này, lãnh đạo tỉnh đã hứa thưởng 200 triệu đồng, bên cạnh đó là 50 triệu đồng từ BTC giải. Dù tiền vẫn chưa về, nhưng cũng đã tạo nên bầu không khí rất hào hứng trong đội.

Giữa những khó khăn trong cuộc sống, phải bỏ đi làm công nhân để có tiền trang trải, sinh hoạt, các cô gái xứ chè chỉ mong còn đó giấc mơ - được chơi bóng đá, mong đội được quan tâm hay có mạnh thường quân ra tay giúp đỡ. 

Họ lại động viên nhau, hãy cứ cố gắng hết sức rồi điều tốt đẹp một ngày sẽ đến... 

{keywords}
Dù khó khăn, tình yêu bóng đá của các cô gái xứ chè vẫn cháy bỏng. Ảnh S.N

Song Ngư