- Với tham vọng trở thành siêu cường bóng đá thế giới, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền. Nhưng cho đến lúc này, tất cả chỉ là ảo vọng. Đồng tiền cũng khó giúp Trung Quốc có vé đến World Cup 2018.

1. Trung Quốc là cường quốc thể thao thế giới. Điều này thể hiện qua những kỳ Olympic rất thành công.

Ở Olympic Rio de Janeiro 2016, Trung Quốc xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương, chỉ sau Mỹ và Vương quốc Anh. 4 năm trước, họ chỉ đứng sau Mỹ ở London. Trong lần đăng cai năm 2008, Trung Quốc thậm chí là số 1 về huy chương.

{keywords}

Những ngoại binh đẳng cấp thế giới đã giúp China Super League trở nên mạnh mẽ và hấp dẫn

Rất mạnh về thể thao, nhưng bóng đá lại là ám ảnh của người Trung Quốc. Năm 2002, Trung Quốc giành vé tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, và kể từ đó họ không còn trở lại với ngày hội bóng đá thế giới.

Với nền thể thao phát triển, và đang là một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất thế giới, Trung Quốc quyết tâm phát triển bóng đá.

Người Trung Quốc muốn biến mình trở thành trung tâm của bóng đá, tất nhiên không chỉ trong phạm vi châu Á.

Chính xác hơn, Trung Quốc muốn như người Anh, có một Premier League của riêng mình.

Đồng thời, Trung Quốc xác định mục tiêu xây dựng một ĐTQG đẳng cấp thế giới, vượt qua những hàng xóm như Hàn Quốc hay Nhật Bản, và sánh ngang với Brazil.

2. Những mục tiêu được xác định, và Trung Quốc vung tiền để hiện thực hóa giấc mơ siêu cường.

{keywords}

ĐTQG Trung Quốc là hình ảnh trái ngược với thành công cấp CLB

Trong 18 tháng trở lại đây, Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới đặt chân đến Chinese Super League.

Chỉ riêng trong năm 2016, gồm các kỳ chuyển nhượng tháng Giêng và mùa Hè, bóng đá Trung Quốc đã chi khoảng 600 triệu USD cho việc mang về các siêu sao.

Sự hiện diện của các siêu sao đã mang đến sức mạnh thực sự cho China Super League.

Trong 3 mùa giải gần nhất, có đến 2 lần danh hiệu AFC Champions League thuộc về Trung Quốc. Cụ thể là Guangzhou Evergrande, ở mùa giải 2013 và 2015.

Tuy nhiên, trái ngược với sức mạnh của sân chơi cấp CLB, ĐTQG Trung Quốc vẫn chỉ là hạng hai ở châu Á.

Những thất bại ở vòng loại World Cup 2018 là minh chứng. Sau 4 lượt trận giai đoạn 2, Trung Quốc mới chỉ có 1 điểm.

Về mặt lý thuyết, Trung Quốc vẫn còn 6 trận đấu để có thể giành vé vào vòng 4. Nhưng ngay cả những người lạc quan nhất cũng không tin vào điều đó.

{keywords}

Ren Hang (2) không có chỗ ở China Super League trong 4 tháng qua, nhưng đá chính ở ĐTQG

Giấc mơ đến nước Nga 2018 của Trung Quốc xem như đã tan vỡ ngay từ lúc này.

3. Vấn đề của Trung Quốc là gì? Có rất nhiều nguyên nhân khiến ĐTQG Trung Quốc thất bại.

Một trong đó là phản ứng ngược từ chính sách mua sắm siêu sao để nâng tầm CLB. Các cầu thủ ngoại chưa thể tạo cú hích để cải thiện chất lượng cầu thủ nội.

Cho đến lúc này, China Super League chỉ đơn thuần là giải trí. Đồng tiền và những siêu sao mang đến các trận đấu mãn nhãn cho người hâm mộ. Tất cả chỉ có thế.

“Sự phát triển của một nền bóng đá không chỉ đơn thuần là bỏ tiền mua các cầu thủ ngoại danh tiếng”, huyền thoại Hao Haidong - thành viên đội hình Trung Quốc dự World Cup 2002, lên tiếng.

Chưa kể, quá nhiều ngoại binh cũng khiến cầu thủ nội không có chỗ.

Một ví dụ: hậu vệ trái Ren Hang không đá trận nào ở China Super League trong 4 tháng nay, nhưng lại có suất chính thức trong ĐTQG. Thế nên, Trung Quốc thất bại là điều không bất ngờ.

Sau những bê bối dàn xếp tỉ số, cá cược bất hợp pháp, bạo lực sân cỏ, bóng đá Trung Quốc đang tích cực làm mới mình. Nhưng chỉ đồng tiền là không đủ.

Kim Ngọc