Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H), hãng tin ITV đăng tải đánh giá của hai chuyên gia Emil Dall viện Timothy Stafford thuộc Viện Nghiên cứu An ninh quốc phòng của Hoàng gia Anh  về tác động của sự kiện.

Vụ thử vũ khí của Triều Tiên ngày 6/1 và những thông điệp mà truyền thông nước này đưa ra sau đó cho thấy, Bình Nhưỡng có thể đã hoàn thiện công nghệ sản xuất và thử nghiệm một quả bom H.

{keywords}
Trong bức ảnh được Triều Tiên công bố, Chủ tịch Kim Jong-un được cho là đang ký lệnh thực hiện vụ thử vũ khí ngày 6/1.

Thay vì là sản phẩm của một phản ứng phân hạch đơn lẻ như trường hợp một quả bom nguyên tử, bom nhiệt hạch (còn gọi là bom khinh khí, bom H) bao gồm một chuỗi giai đoạn mà phải cần đến một vụ nổ phân hạch ban đầu để kích hoạt một vụ nổ hợp hạch sau đó, cực đại hóa mức độ nổ và khả năng công phá của nó.

Nếu đúng, một vụ thử nghiệm bom H thành công sẽ đưa Triều Tiên lên ngang tầm với 5 cường quốc có vũ khí nhiệt hạch được công nhận theo Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, và lên trước các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác như Ấn Độ và Pakistan.

Mặc dù luôn có lý do để nghi ngờ những thông điệp mà Triều Tiên đưa ra nhưng có thể nói, phát triển một quả bom nhiệt hạch là một bước logic tiếp theo trong tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia này.

Có thể mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, mới thu gom đủ các dấu hiệu về bản chất thật sự của vụ thử nghiệm mà Triều Tiên vừa tiến hành. Cộng đồng quốc tế cũng nên sẵn sàng đón nhận một giai đoạn dài, trong đó rất khó có thể xác định hoặc phủ nhận tuyên bố của Triều Tiên. Điều quan trọng là công nhận tầm quan trọng của việc Triều Tiên theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân dù có phải nhiệt hạch hay không.

Những gì vừa diễn ra chứng tỏ Triều Tiên tiếp tục phớt lờ công luận và coi thường các chế tài mà quốc tế áp đặt lên nước này. Bình Nhưỡng đang phát đi một thông điệp rất rõ ràng, rằng chương trình vũ khí hạt nhân vẫn là ưu tiên cao nhất của chính quyền Kim Jong-un và Triều Tiên đã và sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến lớn.

Dù có thể chưa rõ năng lực thực sự của Triều Tiên về hạt nhân nhưng diễn biến ngày 6/1 chứng tỏ quyết tâm tiến xa hơn của Triều Tiên không hề giảm bớt trước áp lực quốc tế. Do đó, vụ thử lần thứ 4 đã làm phát lộ các ý định cũng như năng lực thực sự của quốc gia Bắc Triều.

Sự chú ý giờ đây sẽ đổ dồn vào phản ứng của thế giới đối với Triều Tiên. Vụ thử ít có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao ngay tức thì.

Đến nay, Triều Tiên vẫn chưa đủ năng lực để thu nhỏ tối đa các vũ khí hạt nhân chế được và họ cần phải đạt tới cấp độ này mới có thể đe dọa được các nước bên ngoài khu vực. Bên cạnh đó, những tiến bộ mà Bình Nhưỡng đạt được trong chương trình tên lửa vẫn rất hạn chế.

Tuy nhiên, vụ thử vũ khí ngày 6/1 cho thấy thế giới khó mà thuyết phục được Triều Tiên thay đổi. Do vậy, sự chú ý sẽ hướng vào các bước đi ngoại giao - các lệnh trừng phạt bổ sung... mà có thể được áp dụng để thúc ép chính quyền Kim Jong-un theo đuổi một cách tiếp cận khác.

Thanh Hảo