Bức ảnh về một bé gái 4 tuổi người Syria giơ tay đầu hàng nhiếp ảnh gia vì tưởng rằng máy ảnh là một khẩu súng đã khiến cư dân mạng không khỏi xót xa.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Cô bé Adi Hudea giơ tay đầu hàng khi nhìn thấy nhiếp ảnh gia giơ máy ảnh lên. (Ảnh: Osaman Sagirli)

Nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Osman Sagirli đã chụp lại khoảnh khắc bé gái giơ tay lên đầu tại trại tị nạn Atmen nằm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ của Syria vào tháng 12 năm ngoái. Bức ảnh đã nhanh chóng lan truyền trên mạng trong tuần này sau khi được chia sẻ trên Twitter, tờ Straits Times đưa tin.

Cô bé được xác nhận là Adi Hudea. Cha Adi đã thiệt mạng trong vụ thảm sát Hama năm 2012 và từ đó tới nay cô bé sống cùng với người mẹ tâm thần và ba anh chị em tại trại tị nạn Atmen, cách quê nhà khoảng 150km.

Bức ảnh đã được Nadia Abu Shaban, một phóng viên ảnh tại dải Gaza, đăng tải lên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận xúc động.

"Tôi thực sự đã rơi nước mắt khi nhìn tấm ảnh này. Phải chăng chúng ta đã biến hành tinh này thành một nơi khủng khiếp?", một cư dân mạng viết.

Bức ảnh trên đã được chia sẻ hơn 16.000 lần.

Bên cạnh đó, có không ít người nghi ngờ bức ảnh là giả hoặc được dàn dựng nhưng ngay sau đó chủ nhân của bức ảnh đã lên tiếng.

"Tôi đã sử dụng một ống kính chụp ảnh xa và cô bé nghĩ rằng đó là một loại vũ khí", BBC trích lời Sagirli.

"Tôi nhận ra cô bé hoảng sợ sau khi tôi giơ máy lên vì cô bé cắn môi và giơ tay lên đầu. Thường thì những đứa trẻ khác sẽ bỏ chạy, che mặt đi hoặc mỉm cười khi chúng nhìn thấy một chiếc máy ảnh".

Nhiếp ảnh gia này cũng nói rằng anh phát hiện các bức ảnh về trẻ em ở trại tị nạn rất biểu cảm.

"Bạn biết đấy, có những người tị nạn ở trong các lều trại. Nó mang tới nhiều cảm xúc hơn khi chứng kiến những gì họ chịu đựng không phải thông qua người lớn mà qua những đứa trẻ. Đó là những đứa trẻ phản chiếu cảm xúc với sự vô tội của mình".

Bức ảnh trên lần đầu được đăng trên báo Turkiye, nơi Sagirli làm việc trong 25 năm qua, vào hồi tháng Một. Cùng lúc, nó cũng được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ, BBC cho hay.

Sầm Hoa