Ùn tắc giao thông là chuyện xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới, và việc tìm ra giải pháp hữu hiệu không phải là một bài toán đơn giản.

Tại Singapore, chính phủ thu 3 loại phí gồm phí sử dụng đường bộ, phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân và phí tắc nghẽn giao thông.

{keywords}
Giao thông ở Singapore. (Ảnh: Strait Times)

Và để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, Singapore áp dụng hình thức cấp COE (Giấy chứng nhận xe được phép lưu hành) và VQS (Hệ thống hạn ngạch xe). Ngoài ra, Singapore sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) để kiểm soát lưu lượng đi lại giờ cao điểm, đặc biệt ở các khu trung tâm.

Đặc biệt, với những ô tô quá 10 năm tuổi, Singapore áp mức thuế đường bộ cao hơn và tăng theo cấp số kể từ năm thứ 10 trở đi. Theo đó, xe trên 10 năm tuổi sẽ phải trả 110% mức thuế, xe trên 11 năm tuổi sẽ phải trả 120% mức thuế và mức cao nhất là 150% khi xe trên 14 năm tuổi.

Tại Nhật Bản, hệ thống tàu điện, cao tốc luôn trong trạng thái ùn tắc do quá tải. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ đã áp dụng thu phí đắt đỏ bằng máy thu phí điện tử đặt khắp nơi. 

Trung Quốc mới đây đã cho thử nghiệm mẫu xe buýt khổng lồ chống tắc đường, với chiều cao lên tới 5m, chiều dài 22m, rộng 7,8m. Thiết kế gầm cao đặc biệt cho phép các phương tiện giao thông di chuyển phía dưới, để góp phần giúp các phương tiện khác lưu thông dễ dàng hơn trên đường.

Với sức chứa lên đến 1.200 hành khách, chiếc xe mang tên "Transit Elevated Bus" (TEB-1) sử dụng năng lượng thân thiện môi trường, chạy với vận tốc tối đa 60 km/h.

{keywords}

Chiếc xe khổng lồ được kỳ vọng là giải pháp chống ùn tắc giao thông của Trung Quốc. (Ảnh: NetEase)

Thế nhưng, chiếc xe từng được kỳ vọng là giải pháp tương lai chống tắc nghẽn giao thông hiện đang nằm phủ bụi và bị người dân than phiền vì cản trở đường đi. Hồi tháng 12, tờ Người Thượng Hải đưa tin, một phóng viên tại tỉnh Hà Bắc đã phát hiện mẫu TEB trong tình trạng bỏ hoang ở địa điểm thử nghiệm tại Tần Hoàng Đảo.

Ở một số nơi trên thế giới như thủ đô Sao Paulo của Brazil, Colombia và Philippines, giải pháp được áp dụng là cấm xe theo biển số. Theo đó, mỗi phương tiện sẽ bị cấm lưu thông trong khung giờ cao điểm vào một ngày cụ thể, mà ngày đó được quy định dựa vào biển số xe.

Còn tại thành phố Murcia của Tây Ban Nha, để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng, các nhà chức trách quyết định tặng thẻ đi tàu trọn đời cho những người chịu nộp xe hơi của mình cho chính phủ. Những chiếc xe đó sẽ được tháo dỡ và trưng bày nơi công cộng.

Ở nhiều thành phố khác như Rio de Janeiro, Ankara hay New York, những chiếc cáp treo được sử dụng như một biện pháp chống nạn kẹt xe và một phương tiện thu hút du khách.

{keywords}

Điển hình là hệ thống Metrocable tại Medellin, Colombia, tuyến cáp treo giao thông công cộng đầu tiên trên thế giới. Ban đầu hệ thống này được xây dựng bởi tên trùm ma tuý Pablo Escobar nhằm phục vụ cho việc vận chuyển ma tuý.

Khi Escoba bị giết, giới chức Colombia nhận thấy những xe cáp này là giải pháp cứu tinh cho nạn ùn tắc kinh niên của thành phố. Hiện Metrocable là nhánh của tuyến tàu điện ngầm Medellin, và được quản lý bởi tập đoàn Metro Medellin.

Thanh Hảo