- Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) đã khai mạc ngày 7/11 tại Maroc.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm 6/11, Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar cho biết, hội nghị đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định này đã được 100 quốc gia, chiếm tới 68% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) trên thế giới, phê chuẩn.

{keywords}

Từ trái qua: Người phát ngôn COP22 Nick Nuttall, Thư ký Patricia Espinosa và Chủ tịch Salaheddine Mezouar tại cuộc họp báo ngày 6/11. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thư ký COP22 Patricia Espenosa chỉ rõ, đây là cuộc họp đầu tiên của Hiệp định trên và sẽ là cơ hội để các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trình bày các kế hoạch riêng của mình về công tác phòng chống biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, hội nghị COP22 có nhiệm vụ rất khó khăn vì buộc phải tìm được sự đồng thuận về cách thức thực hiện Hiệp định Paris sau thất bại của Nghị định thư Kyoto năm 1997 và COP15 tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009.

COP22 sẽ là sự kiện vô cùng quan trọng bởi nó cho phép xác định các hành động cụ thể của các quốc gia tham gia chống lại sự nóng lên của Trái đất cũng như sự giúp đỡ dành cho các nước đang phát triển và các quốc đảo.

Giới chuyên gia đánh giá hội nghị tại Maroc lần này là dịp để đưa ra các tiêu chuẩn buộc các nước phải nỗ lực chống lại sự biến đổi khí hậu cũng như xác định cách thức để đảm bảo các nước thực hiện cam kết về giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C.

Trong 11 ngày diễn ra Hội nghị, đoàn Việt Nam sẽ cùng tham gia các phiên họp kỹ thuật và cấp cao, tập trung bàn thảo việc triển khai thoả thuận Paris, đồng thời thúc đẩy các quốc gia tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam cũng sẽ thảo luận, đưa ra những sáng kiến, đề xuất trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về ba vấn đề trọng tâm, gồm thảo luận về những nội dung còn chưa rõ trong thoả thuận Paris, như trách nhiệm hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ hai, đoàn sẽ có ý kiến bảo vệ các quan điểm của Việt Nam đã trình tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2015 và khẳng định các ý kiến này là công bằng, phù hợp với việc phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong quá khứ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và đến cả năm 2030.

Đồng thời, Việt Nam yêu cầu các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển, phải nâng cao mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải, về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, học tập và đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và việc triển khai thoả thuận Paris với các nước trên thế giới nói riêng, trong đó gồm cả kinh nghiệm xây dựng kế hoạch thực hiện thoả thuận Paris tại Việt Nam.

Trần Minh