Phiên thảo luận diễn ra hôm 6/11 dưới sự bảo trợ của Tổng thống Ilham Aliyev và do Trung tâm Quốc tế Nizami Ganjavi, đối tác của Diễn đàn Toàn cầu Boston, tổ chức như một phần của Diễn đàn Baku Toàn cầu về "Thế giới hậu Covid-19". Sự kiện này có sự tham gia của nhiều cựu nguyên thủ cùng các chuyên gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. 

{keywords}
Các nhà lãnh đạo là diễn giả tại Diễn đàn Baku Toàn cầu 

Trong vai trò người điều phối, cựu Tổng thống Lativa Vaira Vike-Freiberga, cũng là đồng Chủ tịch Trung tâm quốc tế Nizami Ganjavi, đã nhắc lại các giai đoạn và sự kiện mà Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua, đồng thời khẳng định đây là một thị trường đơn lẻ chứ không phải là một liên minh quân sự.

Cựu Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic cho rằng các quốc gia thành viên châu Âu đã không ứng phó đúng mức với cuộc xung đột ở Bosnia và Herzegovina hồi thập niên 1990. Bà nhấn mạnh rằng "quá trình Âu hóa vẫn chưa kết thúc".

Theo bà, các xu hướng toàn cầu đang thay đổi. EU không phải là người tạo ra các thực tế mới, thay vào đó liên minh này đang phản ứng trước thực tế mới do các chủ thể khác tạo ra. Người dân và các nước xung quanh châu Âu đều nhận thấy EU thiếu đoàn kết. Về các giá trị được coi là nòng cốt của châu Âu, có nhiều mối đe dọa đang tồn tại giữa những chia rẽ bên trong EU và cả ở bên ngoài với các đồng minh truyền thống. Nữ chính trị gia thúc giục EU không những phải là một sức mạnh mềm mà còn phải phát triển các khả năng phòng thủ và lan tỏa các giá trị của nó.

"Chúng ta muốn thấy một châu Âu đoàn kết", cựu Tổng thống Croatia kêu gọi.

Cựu Tổng thống Romania Emil Constantinescu thu hút sự chú ý với vấn đề Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. "Sự hội nhập của Tây Balkan vào Liên minh châu Âu phải được đảm bảo", ông nhấn mạnh. "Liên minh châu Âu cần một hơi thở mới".

Cựu Thủ tướng Bỉ Yves Leterme nêu quan điểm cần phải thảo luận về tương lai châu Âu và lập ra chính sách quốc phòng của khối. Ông chỉ ra rằng, châu Âu từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỷ 20, và giờ đây lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên theo định kỳ lại gặp nhau và cùng giải quyết những bất đồng, và đây chính là kết quả quan trọng và tích cực của sự hội nhập. Ông thừa nhận EU không phải là một thế lực chính trị lớn trên toàn cầu nhưng luôn đi đầu về phát triển viện trợ và giúp đỡ phân phối viện trợ nhân đạo. Châu lục này cũng sẵn sàng giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính.

Về an ninh và quốc phòng, thời gian qua đã có rất nhiều lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu rằng châu lục này cần gấp rút tăng cường sự tự chủ chiến lược, nâng cao khả năng ra quyết định và năng lực hành động trên thế giới, cũng như thành lập một lực lượng quân sự riêng.

Theo quan điểm của ông Leterme, liên minh còn "cần cố gắng ngăn chặn sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc" và "cần đạt được một sự cân bằng tốt" trong các mối quan hệ với Bắc Kinh.

Tiếp tục phiên thảo luận, cựu Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic phản ánh sự cần thiết phải thu hút sự chú ý vào vấn đề chủ nghĩa dân tộc vắc xin. "Liên minh châu Âu vẫn chưa thể giải quyết vấn đề này", bà nói và nhấn mạnh thêm rằng bên trong EU hiện nay đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau. 

{keywords}
Các nhà lãnh đạo là diễn giả tạo Diễn đàn Baku Toàn cầu.

Tham dự phiên thảo luận, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston – nhắc lại lịch sử châu Âu có đóng góp lớn cho thời kỳ khai sáng hồi thế kỷ 18, và giờ đây các quốc gia và người dân của châu lục này vẫn không ngừng đổi mới và sáng tạo. Theo ông, với công nghệ mới, châu Âu có thể đi tiên phong và dẫn đầu thế giới.

Ông nhấn mạnh, Diễn đàn Toàn cầu Boston đã có sáng kiến cho Liên minh châu Âu và thế giới: Khế ước xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo do những nhà lãnh đạo, nhà sáng tạo lớn như Thống đốc Michael Dukakis, "cha đẻ" Internet Vint Cerf… là tác giả. Châu Âu có thể đi đầu coi Khế ước này là chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, và cùng xây dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu.

Cựu Thủ tướng Bỉ Yves Leterme nhận định, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số hiện nay đang làm gia tăng sự phụ thuộc trên toàn cầu. Ông cho rằng, châu Âu không có đủ năng lượng và các nguồn lực khác nhưng lại có những công ty Mỹ giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số. Do vậy, sự phụ thuộc lẫn nhau trong thế kỷ 21 ngày càng lớn.

"Châu Âu cần phải hành động qua lăng kính này", cựu Thủ tướng Bỉ nêu ý kiến.

Thanh Hảo   

Cách hữu hiệu để dẹp bỏ thông tin sai lệch, tin giả

Cách hữu hiệu để dẹp bỏ thông tin sai lệch, tin giả

Các chính trị gia, học giả thống nhất rằng, chính sách phù hợp để khai thác sức mạnh công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ hữu hiệu để thế giới giải quyết vấn nạn tin sai, tin giả.