Theo Đông Phương, không quân Trung Quốc ngày 18/5 thông báo: sư đoàn không quân X gần đây đã tổ chức biên đội máy bay ném bom nhiều loại, trong đó có loại H-6K lần đầu tiên bay xuống “vùng biển phía Nam”, khu vực được cho là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Hình ảnh hiện trường máy bay Cuba gặp nạn, hơn 100 người chết

{keywords}
 

 

Nguồn tin không quân Trung Quốc cho biết, sư đoàn trưởng tên là Hách Kiến Khoa đã cầm lái chiếc H-6K lần đầu tiên cất cánh ở một sân bay phía Nam, sau khi hoàn thành huấn luyện tấn công mục tiêu trên biển đã bay đến sân bay đảo X để huấn luyện cất hạ cánh để tích lũy kinh nghiệm cho việc triển khai huấn luyện cất hạ cánh máy bay ném bom trên đảo.

Căn cứ hình ảnh video và ảnh chụp, có thể suy đoán việc huấn luyện diễn ra trên đảo Phú Lâm. Đường băng trên đảo dài tới 3000m, bố trí máy bay ném bom ở đây có thể mở rộng phạm vi tác chiến trên Biển Đông. Việc Trung Quốc công khai tuyên truyền việc triển khai máy bay ném bom chiến lược tầm xa ở Phú Lâm rõ ràng nhằm mục đích phô diễn sức mạnh, từng bước khống chế vùng trời Biển Đông.

Một số thông tin về loại máy bay này:

Xian Hong - 6 (Tây An H-6) là loại máy bay được sản xuất theo giấy phép sản xuất của máy bay ném bom phản lực hai động cơ Tupolev Tu-16 của Liên Xô, được chế tạo cho Không quân Trung Quốc. Việc Liên Xô chuyển giao những chiếc Tu-16 cho Trung Quốc bắt đầu vào năm 1958, và Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An đã ký một hợp đồng thỏa thuận với Liên Xô để nhận được giấy phép sản xuất loại máy bay này. Chiếc Tu-16 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất hay "H-6" trong cách gọi của người Trung Quốc, bay lần đầu tiên vào năm 1959. Việc sản xuất được thực hiện tại nhà máy tại Tây An, với ít nhất 150 chiếc đã được chế tạo trong thập niên 1990. Hiện nay Trung Quốc còn sử dụng khoảng 120 chiếc.

Có nhiều phiên bản H-6, riêng H-6K là phiên bản mới nhất xuất hiện năm 2007 với chữ “Chiến thần” sơn trên thân. Đặc điểm lớn nhất là được thiết kế mới hoàn toàn phần thân trước, cải tiến hệ thống điện tử và bố trí người trong khoang cùng hệ thống cứu sinh, mở rộng cửa lấy khí, tăng thêm lượng khí vào, sử dụng động cơ D30-KP-2 của Nga thay cho loại WP-8 cũ để gia tăng sức đẩy. Lượng dầu mang theo từ 34.360kg lên 40.000kg, tầm bay của H-6K đã tăng lên đến 8000km (có tin 9000km), bán kính tác chiến tăng lên 3.500km, lượng vũ khí mang từ 9 tấn tăng lên 12 tấn. H-6K có thể mang loại tên lửa hành trình Trường kiếm-10A (CJ-10A) có tầm bắn tới 2.500km, độ chính xác 10m. Nó có thể treo 6 tên lửa bên ngoài và mang 1 quả trong khoang hoặc mang 20 quả bom không điều khiển loại 500kg, hoặc các tên lửa điều khiển bằng laser có độ chính xác cao.

H-6K được đưa vào biên chế từ 2011; ngày 21/4/2013 hình ảnh nó mang tên lửa hành trình lần đầu lộ diện. Truyền thông phương Tây cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất tới 200 chiếc H-6K.

Ngô Tuyết