Báo Guardian trích dẫn lời ông Vương Thần, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cho biết, một dự thảo luật sửa đổi đã được trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu đất nước sáng 5/3.

{keywords}
Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp thứ 4 ngày 5/3. Ảnh: Reuters

Dù không công bố chi tiết nội dung dự thảo, nhưng ông Vương đã đề cập đến một số thay đổi quan trọng trong luật về hệ thống bầu cử ở Hong Kong, bao gồm cả việc điều chỉnh số lượng thành viên của ủy ban bầu chọn lãnh đạo đặc khu. Luật sửa đổi cũng dự kiến mang tới cho ủy ban thêm quyền hạn mới để "trực tiếp tham gia vào việc đề cử tất cả các thành viên hội đồng lập pháp" và thiết lập "một hệ thống kiểm tra tiêu chuẩn cho toàn bộ quá trình", đảm bảo chính quyền Hong Kong nằm dưới sự quản lý của "những người yêu nước".

Theo quy định hiện hành, Hội đồng Lập pháp Hong Kong (LegCo) đang chịu trách nhiệm xem xét, phê chuẩn các dự luật, thông qua ngân sách cũng như các quyết định bổ nhiệm hay bãi nhiệm các thẩm phán của Tòa chung thẩm và chánh án Tòa án tối cao của đặc khu. Hội đồng hiện có 70 thành viên và các nhà lập pháp đã đề xuất tăng quy mô cơ quan này lên 90 thành viên, đặc biệt tăng thêm ghế cho các thành viên thân Bắc Kinh.

Các nguồn thạo tin giấu tên nói, dự luật sửa đổi cũng nhằm nâng số thành viên trong ủy ban bầu cử Hong Kong, cơ quan chịu trách nhiệm lựa chọn lãnh đạo đặc khu, từ 1.200 người lên 1.500 người. Các thành viên thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và các nhóm yêu nước khác dự kiến sẽ đảm nhận các ghế bổ sung này.

Theo Reuters, truyền thông Hong Kong ngày 5/3 đồng loạt đưa tin, cuộc bỏ phiếu bầu chọn các thành viên LegCo có thể bị hoãn tới tháng 9 năm sau, thay vì diễn ra vào tháng 9 năm nay như kế hoạch ban đầu. Nếu được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp bầu cử tại đặc khu bị hoãn. Năm ngoái, nhà chức trách đã phải hủy tổ chức các cuộc bỏ phiếu vì diễn biến đại dịch Covid-19 bất lợi.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhấn mạnh, động thái diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách để "những người yêu nước" thâu tóm quyền kiểm soát mọi cơ quan công quyền ở Hong Kong. 

Luật sửa đổi dự kiến sẽ được chính thức thông qua vào tuần sau. Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là đòn giáng mạnh tiếp theo nhằm vào phe đối lập tại Hong Kong sau khi chính quyền trung ương cho triển khai luật an ninh mới tại đặc khu hồi năm ngoái, khiến nhiều nghị sĩ mất ghế.

Hồi tháng 11/2020, nhóm 15 nghị sĩ đòi dân chủ cho đặc khu đã từ chức sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua việc phế truất 4 nghị sĩ đối lập ở đặc khu. Một nhóm nghị sĩ trẻ cũng bị tước tư cách sau khi từ chối tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh.

Tuấn Anh

Trung Quốc tuyên bố không dung tha người phạm luật an ninh Hong Kong

Trung Quốc tuyên bố không dung tha người phạm luật an ninh Hong Kong

Văn Phòng Liên lạc của Chính phủ Trung Quốc ở Hong Kong (HKSAR) và chính quyền đặc khu hành chính này tuyên bố sẽ "không dung tha" cho những trường hợp vi phạm luật an ninh Hong Kong.

'Vua truyền thông' Hong Kong bị bắt theo luật an ninh quốc gia

'Vua truyền thông' Hong Kong bị bắt theo luật an ninh quốc gia

Ông trùm truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) Jimmy Lai bị bắt lúc sáng sớm nay (10/8) vì bị tình nghi câu kết với các thế lực ngoại quốc