Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, trong tháng 8 vừa qua, 16 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc, kể cả tỉnh trọng điểm về công nghiệp ở phía nam như Quảng Đông, đã phải triển khai các biện pháp phân bổ lượng điện. Động thái gây lo ngại cho đông đảo người dân và đẩy ngành công nghiệp của nước này vào hỗn loạn.

{keywords}
Do bị mất điện, các đèn tín hiệu giao thông ở ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh ngưng hoạt động đột ngột, gây tắc đường nghiêm trọng ngày 23/9. Ảnh: Weibo

“Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần qua. Việc mất điện diện rộng không chỉ xảy ra ở các nhà máy nữa", Lu Ting, kinh tế gia trưởng thuộc tập đoàn tài chính Nomura viết trong bản khuyến nghị hôm 27/9.

Mặc dù người Trung Quốc đã quen chứng kiến việc cắt giảm nguồn cung cấp điện ở nhiều vùng của đất nước mỗi năm, nhưng tần suất của chúng đã tăng mạnh kể từ nửa cuối năm ngoái.

Các tỉnh đông bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang bị mất điện trên diện rộng. Trên mạng xã hội đầy rẫy những lời phàn nàn của người dân. Một số thậm chí bày tỏ sự tức giận khi bị cắt điện vào giờ cao điểm mà không được thông báo trước đầy đủ.

Hôm 23/9, một số đèn giao thông ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh thậm chí bất ngờ ngưng hoạt động, dẫn đến tắc đường nghiêm trọng. Theo Nhân dân nhật báo, chính quyền địa phương đã phải phân bổ nguồn điện "để tránh sự cố toàn bộ lưới điện".

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, tình trạng trên bắt nguồn từ cả sự thiếu hụt than đá và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt các mục tiêu giảm phát thải khí độc hại. Họ cảnh báo, những gián đoạn tiếp theo trong việc cung ứng điện có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát khi sản xuất gia tăng.

“Với việc thị trường hiện tập trung chú ý vào Evergrande và những hạn chế chưa từng có của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản, một cú sốc lớn khác về nguồn cung có thể đã bị đánh giá thấp hoặc thậm chí bị bỏ qua”, ông Lu nhận định khi đề cập đến cuộc khủng hoảng điện hiện nay ở đại lục.

Diễn biến tiêu cực xảy ra trong bối cảnh một số nhà phân tích gần đây đã lên tiếng cảnh báo về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, khi biến thể Delta của virus corona chủng mới tiếp tục tấn công nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc các nhà hàng và địa điểm giải trí phải đóng cửa và nhiều sự kiện thương mại nổi tiếng bị hủy bỏ.

Do tình hình tồi tệ, ông Lu và các cộng sự đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,7% trong năm 2021. Song, chuyên gia này khuyến cáo, đây vẫn có thể là đánh giá quá lạc quan và các nhà phân tích có nguy cơ phải tiếp tục cắt giảm dự báo hơn nữa.

Tuấn Anh

Thách thức dân số, ‘bom hẹn giờ’ cho kinh tế Trung Quốc

Thách thức dân số, ‘bom hẹn giờ’ cho kinh tế Trung Quốc

Vấn đề dân số đang bị cho là một 'quả bom hẹn giờ dài hạn' đối với Trung Quốc, khi các biện pháp khuyến khích sinh đẻ chưa sớm phát huy tác dụng.