Bất đồng ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh trở nên dữ dội hơn vào 17/3 liên quan tới việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc.

{keywords} 

Lockheed Martin thử nghiệm thành công THAAD tại căn cứ tên lửa Thái Bình Dương ở Kauai, Hawai

Chosun Ilbo dẫn tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói với các phóng viên: "Một quốc gia láng giềng có thể có lập trường của họ về việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân Mỹ tại Hàn Quốc song họ không nên cố tác động tới các chính sách an ninh của Hàn Quốc".

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Liu Jianchao hôm 16/3 nói, "Trung Quốc sẽ rất biết ơn nếu Seoul tính đến những lo ngại của nước này".

Bắc Kinh không muốn quân Mỹ tại Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD tại nước này vì nó sẽ tạo nên nòng cốt cho lá chắn tên lửa Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ông Kim Min-seok nói: "Vấn đề bắt nguồn từ những nỗ lực ngặn chặn mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên. Nếu Mỹ hỏi ý kiến chúng tôi về vấn đề này, Bộ Quốc phòng sẽ có quyết định của riêng mình liên quan tới lợi ích quốc gia và sự hiệu quả của quân đội".

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói với các phóng viên sau cuộc họp với Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong như sau: "Tôi thấy lạ khi một nước thứ ba lại có tuyên bố mạnh như vậy về một hệ thống an ninh còn chưa được triển khai, khi nó mới chỉ là vấn đề giả thuyết. Tôi cho rằng chính Hàn Quốc mới là nước quyết định nên áp dụng biện pháp nào và khi nào vì lợi ích quốc phòng của mình".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei lại bình luận: "Khi theo đuổi lợi ích an ninh của mình, một nước cũng nên tính tới lo ngại an ninh của những nước khác cũng như hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc luôn giữ lập trường rõ ràng và kiên định về các vấn đề chống tên lửa. Chúng tôi hy vọng một số quốc gia nhất định nên thận trọng khi giải quyết những vấn đề liên quan".

  • Hoài Linh