Hãng tin Bloomberg dẫn lời Đại sứ Trung Quốc Wu Ken phát biểu tại một sự kiện của tờ báo Đức Handelsblatt: "Nếu Berlin ra quyết định loại trừ Huawei khỏi thị trường Đức, sẽ có các hậu quả. Chính phủ Trung Quốc sẽ không để yên đâu".

{keywords}
 

Phái viên hàng đầu của Bắc Kinh tại Berlin chỉ ra rằng, ngành công nghiệp xe hơi của Đức hiện đang cung cấp tới 1/4 trong số tổng số 28 triệu xe bán ra ở Trung Quốc trong năm 2018. Theo ông, sẽ "đơn thuần là vấn đề bảo hộ" nếu Bắc Kinh xếp các xe hơi Đức là không an toàn chỉ vì Trung Quốc có thể tự sản xuất ôtô.

Bất chấp việc Berlin không nêu cụ thể tên Huawei trong các dự thảo hướng dẫn an ninh cho việc triển khai mạng 5G khắp toàn quốc, một số quan chức chính phủ Đức tiết lộ, việc cấm cửa hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhà chức trách không dám chắc tập đoàn công nghệ Trung Quốc không mang đến rủi ro an ninh tiềm ẩn. Hồi tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer từng lên tiếng xác nhận khả năng này.

Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Huawei là công cụ do thám cho Trung Quốc bất chấp sự phủ nhận của Bắc Kinh cũng như tập đoàn này. Washington cũng sử dụng cáo buộc để gây sức ép, buộc các đồng minh phải theo họ cấm doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ 5G cho các thị trường.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt, Đại sứ Wu Ken nói: "Người Đức có một câu ngạn ngữ rất hay về 'giả định vô tội'. Xin hãy cho chúng tôi thấy bằng chứng về việc Huawei tạo ra bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Nếu không hề có chuyện đó, Huawei phải tiếp tục được hoạt động ở thị trường Đức". Quan chức này cho biết thêm, Bắc Kinh muốn các công ty của họ được đối xử công bằng như các công ty Đức.

Tuấn Anh