Tổng thống Putin đến Damascus ngày 7/1 trong chuyến thăm Syria lần thứ 2 của ông kể từ khi nước này rơi vào nội chiến gần 9 năm trước.

{keywords}
Hai ông Bashar al-Assad và Vladimir Putin thăm nhà thờ Mariamite ở Damascus hôm 7/1. 

Theo báo Bloomberg, thời điểm chuyến đi của ông Putin rất quan trọng. Mỹ và các đồng minh đang đánh giá thiệt hại sau khi Tehran nã một loạt tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq sớm 8/1 để trả đũa vụ Washington không kích giết tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani. Các thị trường chao đảo và bất ổn bao trùm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq.

Nhưng ông Putin vẫn vững vàng tiếp tục nghị trình của mình ở khu vực. Nhà lãnh đạo Nga đã di chuyển từ sân bay Damascus tới một trạm chỉ huy của quân Nga, nơi ông gặp người đồng cấp nước chủ nhà, Bashar al-Assad.

Theo hãng thông tấn SANA, hai ông Putin và Assad đã thảo luận về các diễn biến gần đây trong khu vực và lên kế hoạch "diệt trừ khủng bố" ở vùng Idlib - một trong những thành trì cuối cùng vẫn đang nằm trong tay phiến quân chống Damascus. Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng nhau đi thăm Thành cổ Damascus, trong đó có thánh đường Umayyad có từ thế kỷ thứ 8 và một nhà thờ cổ.

Chuyến công du của ông Putin là "dấu hiệu cho các đồng minh và đối thủ, rằng khi ổn định suy giảm và rủi ro tăng lên, khi bất trắc lộ rõ thì Nga nhấn mạnh sự hiện diện của mình ở Trung Đông là không thay đổi, không như Mỹ", Bloomberg dẫn lời Andrey Kortunov, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, một nhóm có quan hệ mật thiết với Kremlin. "Trái với tính khó lường của ông Donald Trump thì sự nhất quán của Nga trở thành lợi thế".

Sự can thiệp quân sự năm 2015 của Nga trong cuộc xung đột ở Syria không chỉ đóng vai trò then chốt cho sự tồn tại của chính quyền Assad mà còn báo trước sự xuất hiện của một nhân vật quyền lực mới ở một khu vực vốn đầy biến động và đông đúc.

Chuyến thăm của ông Putin đã được lên kế hoạch từ trước cho cuộc gặp ngày 8/1 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan, một nhà lãnh đạo khác vừa bước vào cuộc cạnh tranh bằng quyết định đưa quân sang Libya. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, nhưng ngày càng được Tổng thống Putin ủng hộ trong những năm gần đây vì ông Erdogan ngày càng xa cách các đồng minh ở châu Âu và Mỹ.

{keywords}
Ảnh: Reuters

RT đưa tin, khi tới Thổ Nhĩ Kỳ để dự lễ khánh thành một đường ống dẫn khí, ông Putin dự kiến sẽ gặp ông Erdogan ở Istanbul để thảo luận về tình hình an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, Iraq đã bất ngờ trở thành điểm ưu tiên trong nghị trình và hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự leo thang mới trong xung đột Mỹ - Iran ở Iraq.

Do các sự kiện nóng bỏng ở Iran đang thu hút dư luận toàn cầu nên các diễn biến quan trọng khác có nguy cơ không được quan tâm một cách tương xứng, chẳng hạn vụ tư lệnh quân đội Libya Khalifa Haftar chiếm giữ thành phố ven biển Sirte. Điều này có giá trị chiến lược và biểu tượng với Haftar, người có thể quyết định số phận của một đất nước đang bị kẹt trong vòng nội chiến kể từ khi các đồng minh phương Tây lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.

Trong khi đó, ở Washington, Mỹ phát đi tín hiệu rằng nước này không bỏ qua sự quan tâm của mình với phần còn lại của thế giới. Ngoại trưởng Michael Pompeo bắt đầu một cuộc họp báo tương đối ngắn bằng cách đề cập đến cháy rừng ở Australia, bế tắc của Trung Quốc với người biểu tình Hong Kong, vai trò của Iran ở Afghanistan, tình hình chính trị ở Venezuela và chuyến thăm của thủ tướng Hy Lạp. Ông thậm chí nêu chi tiết kế hoạch công du của Thứ trưởng Ngoại giao tới châu Âu.

Tại Nhà Trắng, ông Trump đã gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và vị khách đặc biệt này tuyên bố Mỹ luôn có thể dựa vào đất nước ông như một "đồng minh đáng tin cậy". Nhưng cuộc gặp càng cho thấy Iran vẫn là vấn đề quan trọng nhất trong tâm trí Tổng thống Mỹ.

Thanh Hảo