Phát hiện một phụ nữ Nhật tái nhiễm Covid-19

Đây là người đầu tiên ở Nhật tái nhiễm chủng virus corona mới, chỉ vài tuần sau khi bình phục, Reuters đưa tin.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng lên 186 tính đến sáng nay (27/2). Một ngày trước đó, số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này là 170.

Bộ trưởng Y tế Đức thừa nhận tình hình dịch Covid-19 nguy cấp

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận, dù nước này mới bắt đầu đối mặt với sự bùng phát Covid-19 nhưng tình hình dịch khá nguy cấp.

Phát biểu trước các phóng viên ở Berlin hôm 26/2, Bộ trưởng Spahn cho biết, nhà chức trách Đức hiện không còn khả năng lần theo dấu vết các chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại nước này nữa. Vì vậy, ông kêu gọi các bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế xem xét lại kế hoạch phòng chống dịch của họ.

Mỹ bắt đầu thử nghiệm thuốc chữa Covid-19 trên người

Hi vọng về khả năng chữa khỏi bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra đang ngày càng đến gần, khi nghiên cứu đầu tiên của Mỹ về một loại thuốc đặc trị cho căn bệnh này đang được thực hiện.

Cho đến nay, chưa có thuốc chữa hay vắc-xin cho virus Sars-CoV-2, đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người và giết chết hơn 2.700 người trên toàn thế giới trong vòng vài tháng qua.

Tin tức về việc thử nghiệm thuốc được đưa ra hôm 25/2, ngay khi một quan chức y tế liên bang cảnh báo rằng virus này sớm muộn cũng sẽ bắt đầu lan ra các cộng đồng ở Mỹ.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước sẵn sàng ứng phó với một đại dịch có thể xảy ra, sẵn sàng phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly bệnh nhân, truy vết tiếp xúc, cung cấp chăm sóc y tế tốt, ngăn chặn bùng phát dịch trong bệnh viện và lây lan trong cộng đồng.

Ông Ghebreyesus nêu ra 3 ưu tiên với tất cả các nước: bảo vệ các nhân viên y tế, khuyến khích các cộng đồng bảo vệ những người nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, và bảo vệ những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. 

{keywords}
Dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh ra toàn cầu.

Số bệnh nhân ở Trung Quốc vẫn chiếm nhiều nhất nhưng Hàn Quốc cũng chứng kiến tốc độ lây lan quá nhanh, với hơn 1.260 ca bệnh và 11 người tử vong, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Covid-19 lan đến Na Uy, Romania, Hy Lạp, Brazil

Bộ Y tế Romania xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở nước này là một nam giới ở thành phố Gorj, từng tiếp xúc với một người Italia tới Romania hồi đầu tháng 2. Thông tin cho biết sức khỏe của ông này vẫn bình thường và sẽ được đưa tới một bệnh viện ở thủ đô Bucharest để theo dõi. 7 thành viên trong gia đình ông đã được đưa đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Covid-19.

Cơ quan Y tế Công cộng Na Uy thông báo có một ca nhiễm bệnh đầu tiên, là người vừa trở về từ Trung Quốc, chưa có triệu chứng và ít khả năng lây cho những người khác.

Hy Lạp cũng đã ghi nhận một phụ nữ 38 tuổi từng tới miền bắc Italia đã mắc Covid-19.

Reuters dẫn một nguồn tin ngày 25/2 cho biết một người đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới tại Brazil. Nguồn tin cho biết kết quả xét nghiệm chưa được công bố, nhưng trước đó bệnh viện ở Sao Paulo đã thông báo khả năng có một bệnh nhân 61 tuổi nhiễm virus tại Italia trước khi về nước.

Iraq đóng cửa trường học

Theo Tân Hoa xã, Bộ trưởng Y tế Iraq ngày 26/2 thông báo tạm đóng cửa tất cả các trường học 10 ngày cho đến ngày 7/3 để đối phó với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim, quán cà phê, câu lạc bộ và các điểm tập trung đông người sẽ ngừng hoạt động trong cùng khoảng thời gian.

TQ thu giữ hàng triệu khẩu trang giả

Các lực lượng chức năng ở Trung Quốc mới đây đã thu giữ 31 triệu khẩu trang y tế không đạt chuẩn cùng nhiều mặt hàng giả khác trị giá 174 triệu Nhân dân tệ (24 triệu USD). Cảnh sát cũng xử lý 22.000 vụ án hình sự liên quan đến dịch Covid-19.

Do nhu cầu đối với khẩu trang y tế và dung dịch sát trùng quá lớn mà nguồn cung lại không đủ trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ trong thời gian dài, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình để sản xuất các mặt hàng trái phép rồi tung ra thị trường.

WHO cử chuyên gia tới Iran giúp chống dịch Covid-19

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này sẽ cử một nhóm chuyên gia tới Iran trong tuần này để hỗ trợ chống dịch. Ông mô tả số ca nhiễm mới tăng mạnh tại nước này, tại Italia và Hàn Quốc là "rất đáng lo ngại".

Hiện một nhóm chuyên gia của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu đã đến Rome, Italia để hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá các biện pháp y tế công cộng đang được triển khai.

Thanh Hảo