Các nhà lãnh đạo APEC đã nhóm họp trực tuyến hôm 16/7 để thảo luận về các hành động tập thể nhằm đối phó với Covid-19 cùng những tác động kinh tế của nó. Cuộc họp đã nêu bật những lo ngại ngày càng tăng xung quanh đại dịch đang hoành hành trong khu vực khi các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Australia đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu do biến thể Delta gây ra.

{keywords}
Nhân viên y tế đang tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân ở Auckland, New Zealand. Ảnh: AP

Trong tuyên bố chung phát đi sau hội nghị do New Zealand chủ trì, các nguyên thủ tuyên bố, họ sẽ khuyến khích việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin "theo các điều khoản nhất trí lẫn nhau" trong bối cảnh khu vực chuẩn bị cho những cú sốc y tế trong tương lai.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc 21 nền kinh tế APEC cùng nhau tìm cách thoát khỏi đại dịch.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các rào cản toàn cầu đối với việc sản xuất và phân phối vắc xin cần phải được dỡ bỏ. Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide bày tỏ quyết tâm sẽ tổ chức một Thế vận hội Olympic Tokyo an toàn và bảo mật. Trong khi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết viện trợ thêm 3 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển để đối phó đại dịch và phục hồi kinh tế, xã hội.

Theo Reuters, đã có tổng cộng hơn 50 triệu ca mắc trong khối APEC, bao gồm hơn 1 triệu ca tử vong. GDP của toàn bộ khối đã giảm 1,9% trong năm 2020.

Trung Quốc bác cáo buộc cản trở điều tra Covid-19

Trung Quốc hôm 16/7 đã bác bỏ các cáo buộc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc nước này đã không cung cấp dữ liệu thô cần thiết phục vụ cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.

Theo đài CNA, WHO đang đối mặt với áp lực ngày càng thăng về việc phải mở một cuộc điều tra mới, sâu rộng hơn về nguồn gốc của virus corona chủng mới sau cuộc điều tra hồi tháng 1, hơn một năm sau khi dịch bùng phát lần đầu tiên.

Trung Quốc đưa ra phản bác sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/7 tuyên bố trước báo giới rằng, một trong những thách thức chính trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra là "dữ liệu thô không được chia sẻ". Ông Ghebreyesus đồng thời kêu gọi Trung Quốc "minh bạch, cởi mở và hợp tác" trong giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, các chuyên gia quốc tế được được tiếp cận đầy đủ dữ liệu gốc khi họ đến nước này hồi đầu năm nay, mặc dù "một số thông tin bao gồm sự riêng tư cá nhân, không thể sao chép hoặc đưa ra khỏi đại lục". Đại diện Bắc Kinh cũng phủ nhận tuyên bố của ông Tedros rằng "đã có sự thúc đẩy sớm" nhằm loại bỏ giả thuyết virus có thể bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc.

Ông Triệu cảnh báo không nên "chính trị hóa vấn đề" và đưa ra các giả thuyết "không có căn cứ khoa học".

Indonesia, Nga trải qua ngày chết chóc

Cả Indonesia và Nga trong 24 giờ qua đều ghi nhận số trường hợp thiệt mạng vì dịch cao kỷ lục.

Cụ thể, Indonesia hôm 16/7 thông báo có thêm 1.205 ca tử vong mới, cao hơn mức kỷ lục cũ 1.040 ca hôm 7/7, nâng tổng số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi trên toàn quốc lên 71.297 người. Cùng ngày, quốc gia Đông Nam Á cũng ghi nhận thêm 54.000 ca mắc mới, mức cao thứ 3 kể từ khi dịch bùng phát và là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc trong ngày vượt mốc 50.000 người, nâng tổng số ca bệnh toàn quốc lên gần 2,8 triệu.

Indonesia hiện đã vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch lớn nhất châu Á và cũng vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất thế giới.

Bloomberg thống kê, Indonesia đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho khoảng 11% dân số và đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ chủng ngừa với hy vọng đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng sau khi 70% người dân được tiêm đủ liều vắc xin.

Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết, nhà chức trách nhiều khả năng sẽ phải kéo dài các biện pháp hạn chế khẩn cấp chống dịch, đã được triển khai trên các đảo Java, Bali và 15 thành phố khác từ ngày 3/7 cho đến qua ngày 20/7.

Tương tự, Nga hôm 16/7 cũng trải qua ngày chết chóc khi ghi nhận thêm 799 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch và là ngày thứ 4 liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. Xứ sở bạch dương hiện là "ổ dịch" lớn thứ 4 thế giới với hơn 5,9 triệu ca mắc, 146.868 bệnh nhân tử vong.

Nhà chức trách Nga nhận định, diễn biến dịch phức tạp ở nước này có thể bắt nguồn từ sự hoành hành của biến thể Delta và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 17/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 190,2 triệu người, xấp xỉ 4,1 triệu ca tử vong. Song, hơn 173,3 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 34,9 triệu ca mắc và 624.426 bệnh nhân không qua khỏi. Theo bà Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số ca mắc mới Covid-19 ở nước này đã tăng 70% so với tuần trước, trong khi số ca tử vong tăng 26%. Biến thể Delta đang thống trị xứ sở cờ hoa với các ổ dịch mới tiếp tục bùng phát ở những nơi có tốc độ tiêm chủng chậm chạp. Nhà chức trách nói, 97% số bệnh nhân phải nhập viện điều trị là những người chưa đi chích ngừa.

- Nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus, Singapore thông báo từ tuần tới sẽ siết chặt lại một số hạn chế về tụ tập, bao gồm cả việc chỉ cho phép các nhóm 2 người được dùng bữa cùng nhau tại nhà hàng. Khoảng 400 cơ sở vui chơi giải trí ban đêm đóng cửa trong 14 ngày tới để kiểm tra. Quyết định dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/7 - 8/8, thời điểm Singapore hy vọng tiêm phòng đầy đủ hơn 66% dân số.

- Mỹ tuyên bố sẽ chuyển giao 25 triệu liều vắc xin Covid-19 cho châu Phi, với những lô đầu tiên đến 3 nước Burkina Faso, Djibouti và Ethiopia trong vài ngày tới.

- Bộ Y tế Philippines hôm 16/7 đã lên tiếng cảnh báo về dịch tái bùng phát mạnh sau khi nhà chức trách phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng, bao gồm cả 2 trường hợp ở thủ đô Manila. Tổng số ca mắc ở nước này hiện xấp xỉ 1,5 triệu người, trong đó 26.476 ca tử vong.

- Thủ tướng Campuchia đã ra lệnh cho các quan chức dưới quyền đặt mua hơn 3.000 quan tài từ Thái Lan để chuyển giao trong các tỉnh nhằm đề phòng số người chết tăng cao vì dịch. Campuchia hiện ghi nhận hơn 65.500 ca mắc với hơn 1.000 trường hợp tử vong. Cho đến nay, nước này đã tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 5 triệu dân, đạt một nửa mục tiêu chủng ngừa cho 10 triệu dân trước cuối năm.

Tuấn Anh 

Indonesia lập kỷ lục buồn vì Covid-19, Mỹ lo biến thể đe dọa hồi phục kinh tế

Indonesia lập kỷ lục buồn vì Covid-19, Mỹ lo biến thể đe dọa hồi phục kinh tế

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao thứ hai thế giới, trong khi số ca mắc mới ở thủ đô Jakarta cũng tăng cao kỷ lục kể từ đầu dịch.

Ngoại giao vắc xin Covid-19, "quyền lực mềm" của Nga, Trung ở sân nhà EU

Ngoại giao vắc xin Covid-19, "quyền lực mềm" của Nga, Trung ở sân nhà EU

Nga và Trung Quốc dường như mang tới cho Liên minh châu Âu (EU) những bài học về quyền lực mềm thông qua chiến lược ngoại giao vắc xin ngay trên "sân nhà" của khối này.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).