Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật lúc 6h sáng nay (23/7). Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 9,3 triệu người.

Mỹ có thêm 66.000 ca nhiễm mới và 1.102 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 4.094.573 và 146.055.

Bộ Y tế Brazil thông báo phát hiện hơn 61.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 22/7, đưa tổng số người bệnh lên 2.227.514. Số thiệt mạng tăng thêm 1.174 ca, lên 82.771.

Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Ấn Độ có hơn 45.600 ca nhiễm mới và 1.120 trường hợp tử vong, nâng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 1.239.684 và 29.890.

{keywords}
Tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu không có dấu hiệu giảm. Ảnh: THX

Tình hình dịch tại một số quốc gia Đông Nam Á cũng phức tạp. Indonesia ghi nhận 1.882 ca mới, đưa tổng số nhiễm lên 91.751 người. Nước này cũng có thêm 139 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo đã phát hiện 1.594 trường hợp dương tính mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 72.269 và 1.843.

Nhật khởi động hoạt động du lịch

Số liệu từ hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản trong 24 giờ qua đã phát hiện thêm gần 800 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Tổng cộng số người nhiễm tại Nhật đã hơn 27.800 người.

Chính phủ Nhật ngày 22/7 đã khởi động chiến dịch du lịch nội địa, nhưng thống đốc nhiều tỉnh muốn hoãn lại hoặc hủy bỏ kế hoạch, bởi họ lo ngại du khách từ thành phố lớn mang mầm bệnh tới các vùng nông thôn.

“Sẽ không có sự thay đổi nào trong lập trường của chính phủ khi thận trọng khởi động lại các hoạt động kinh tế, đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi người dân hợp tác trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói.

Hong Kong tăng cường biện pháp phòng bệnh dịch

Đặc khu Hong Kong, Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp ‘giãn cách xã hội’ từ nửa đêm 22/7, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tới những nơi công cộng như trung tâm thương mại hoặc chợ, trong bối cảnh số ca nhiễm tại đặc khu này tăng mạnh.

“Đây là thời điểm quan trọng nhất đối với Hong Kong. Chúng tôi yêu cầu người dân kiên nhẫn và nên ở nhà. Số ca nhiễm đã tăng mạnh do mọi người buông lỏng các biện pháp an toàn và đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng sẽ có hiệu lực trong hai tuần”, quan chức y tế Sophia Chan trả lời phỏng vấn Reuters nói.

Hong Kong ngày 22/7 đã ghi nhận thêm 113 ca nhiễm mới, trong đó có 105 ca lây nhiễm cộng đồng.

Làn sóng dịch thứ nhất tại Nga chưa kết thúc

“Dịch bệnh vẫn tiếp tục phát triển, và chúng ta khó có thể nói chắc chắn làn sóng dịch thứ nhất tại Nga đã kết thúc”, hãng tin TASS dẫn nhận định nhà dịch tễ học Nikolai Briko thuộc Bộ Y tế Nga.

Theo Worldometers, Nga phát hiện gần 5.900 ca nhiễm mới trong ngày 22/7, đưa tổng số người bệnh ở nước này lên 789.190. Số thiệt mạng tăng thêm 165 ca, lên 12.745.

Vaccine khó được đưa vào sử dụng trước 2021

Người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan cho biết, các nhà nghiên cứu đang có những tiến bộ trong việc điều chế vaccine phòng Covid-19, nhưng thời điểm chúng được đưa vào sử dụng sẽ là đầu năm 2021.

Theo ông, WHO sẽ đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng nhất. Nhưng điểm mấu chốt hiện nay là cần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bởi số ca nhiễm trên toàn cầu đang ngày một tăng mạnh.

Tuấn Trần

Thêm 7 ca Covid-19 mới là chuyên gia dầu khí người Nga

Thêm 7 ca Covid-19 mới là chuyên gia dầu khí người Nga

Chiều 22/7, Bộ Y tế công bố thêm 7 ca Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh này trong cả nước lên 408 trường hợp.

Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người

Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người

Bốn đơn vị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đang tăng tốc độ, dự kiến ngay cuối năm nay có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.