Thế giới trải qua cột mốc đáng buồn chỉ hơn một năm sau khi trường hợp thiệt mạng đầu tiên vì virus corona chủng mới được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc.

{keywords}
Quan tài chứa thi thể một bệnh nhân Covid-19 tử vong đang được chôn cất ở nghĩa địa Nossa Senhora Aparecida tại Manaus, bang Amazonas, Brazil. Ảnh: AP

CNN trích dẫn lời các chuyên gia cho biết, mặc dù con số 2 triệu người chết tính đến hết ngày 15/1 rất khủng khiếp, nhưng số ca tử vong vì đại dịch thực tế có thể lớn hơn nhiều. Lí do vì chỉ có những ca tử vong được nhà chức trách y tế các nước chính thức xác nhận mới được tính, trong khi nhiều quốc gia chưa thể xét nghiệm đầy đủ cho người dân, dẫn đến khả năng bỏ lọt thống kê.

Khi các chính phủ rục rịch triển khai những chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà cho người dân, dư luận quốc tế bắt đầu dấy lên hy vọng về khả năng sớm khống chế được đại dịch, dù có thể mất vài năm mọi người dân trên hành tinh mới được chủng ngừa đầy đủ.

Trong khi chờ đợi, đại dịch tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng xấu đi. Số bệnh nhân tử vong đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Thế giới cán mốc 1 triệu người đầu tiên thiệt mạng vì virus trong 8 tháng, nhưng tăng thêm 1 triệu ca tử vong nữa chỉ trong không đầy 4 tháng.

Một số nước, bao gồm Mỹ, Đức, Thụy Điển, Indonesia, Israel và Nhật ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục mỗi ngày trong một tuần trở lại đây. Tổng số ca nhiễm toàn cầu cũng tăng chóng mặt và hiện đã vượt quá con số 100 triệu.

Cho đến nay, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về số ca tử vong, tiếp theo là Brazil, Ấn Độ và Mexico. Song, đại dịch hầu như đã tấn công mọi ngõ ngách trên Trái đất và chỉ còn một vài quốc gia nhỏ, tồn tại tách biệt chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào.

Virus gây tổn hại cho người già nhiều nhất, nhưng điều đó không có nghĩa những người trẻ tuổi không thiệt mạng. Những người nghèo và người thuộc các dân tộc thiểu số, người nhập cư và nhân viên chống dịch tuyến đầu tử vong với tỷ lệ cao hơn nhiều, nhưng cái chết cũng không tha cho những người nổi tiếng và các thành viên hoàng gia.

Cảnh báo viễn cảnh tồi tệ

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, mốc 2 triệu người tử vong vì đại dịch là kết quả tồi tệ hơn do "sự thiếu vắng một nỗ lực phối hợp toàn cầu".

Hầu hết các nước đang tự triển khai những biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế riêng rẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm.

Theo Đại học Oxford, cho đến nay đã có hơn 35 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được sử dụng trên thế giới. Trong khi các đợt tiêm chủng ở những nước giàu gặp trở ngại vì các hàng dài người chờ đợi, thiếu ngân sách hay sự chắp vá của các cách thức triển khai từ trung ương tới địa phương, các thách thức ở các nước nghèo hơn còn lớn hơn nhiều vì hệ thống y tế yếu kém, mạng lưới giao thông kém hiện đại, vấn nạn tham nhũng và nguồn điện thiếu ổn định để bảo quản lạnh vắc-xin.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, thế giới khả năng cao sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trước virus trong năm nay, điều đòi hỏi ít nhất 70% cư dân toàn cầu được tiêm vắc-xin.

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại, nếu việc chủng ngừa không được triển khai rộng rãi và đủ nhanh, virus sẽ có thêm thời gian đột biến và đánh bại các vắc-xin.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nhận được số liều vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer-BioNTech sản xuất ít hơn nhiều so với dự kiến. 6 nước thành viên EU mô tả điều này "không chấp nhận được", đồng thời hối thúc liên minh gây sức ép buộc các hãng dược phẩm Mỹ phải giao đủ các đơn hàng vắc-xin đúng hạn.

- Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này sẽ tạm thời đóng cửa mọi hành lang đi lại từ sáng 18/1 tới ít nhất ngày 15/2 để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus chưa được nhận diện. Bất kỳ ai từ nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải xuất trình giấy tờ chứng minh có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 ngay trước khi khởi hành.

- Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ cử một máy bay đến Ấn Độ để nhận vắc-xin Covid-19 trong vòng 2 - 3 ngày, sau khi chính phủ nước này thông báo chuyến bay khởi hành hôm 15/1. Ông Bolsonaro thừa nhận, hiện ông không thể làm gì nhiều để ngăn chặn đại dịch khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang càn quét khắp đất nước.

- Lãnh đạo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết, nước này sẽ nộp đơn xin EU cấp phép lưu hành vắc-xin Sputnik V vào tháng 2. Quan chức này nói, bản đánh giá của các chuyên gia về tính hiệu quả của chế phẩm cũng sẽ sớm được công bố.

- Theo Thủ tướng Pháp Jean Castex, để đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, chính phủ nước này sẽ triển khai lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18h hàng ngày, bắt đầu từ ngày 16/1. Ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian trên.

Tuấn Anh  

Nhật phát hiện biến thể mới, bác sĩ của Giáo hoàng tử vong vì Covid-19

Nhật phát hiện biến thể mới, bác sĩ của Giáo hoàng tử vong vì Covid-19

Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật (NIID) cho biết, nhà chức trách y tế nước này vừa phát hiện một biến thể mới của virus gây đại dịch Covid-19 ở 4 hành khách đến từ Brazil.

Số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc

Số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc

Trung Quốc vừa ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong một ngày tăng cao kỷ lục trong vòng 10 tháng trở lại đây.

 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.