Hãng thông tấn Nga RT đưa tin, Tổng thống Trump - người thường xuyên đi trên chuyên cơ nổi tiếng nhất thế giới mang tên Không lực Một – đã tỏ ra đặc biệt quan ngại về sự phức tạp của các mẫu máy bay hiện đại, đặc biệt là tính năng tự động. Theo ông, điều đó đang tạo ra nguy hiểm vì các phi công không còn khả năng kiểm soát máy bay khi cần nữa.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump phàn nàn rằng "các máy bay đang ngày càng trở nên quá phức tạp cho người điều khiển" và đòi hỏi "các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)" cầm lái thay vì phi công.

"Tôi không cần Albert Einstein làm phi công cho mình. Tôi muốn các chuyên gia lái máy bay giỏi, được tạo điều kiện kiểm soát máy bay dễ dàng và nhanh chóng", vị Tổng tư lệnh Mỹ viết.

Sau thảm họa ở Ethiopia, ông Trump đã tuyên bố cấm bay ngay lập tức đối với mọi mẫu phi cơ Boeing 737 Max, khẳng định các phi công cũng như các hãng hàng không đã được thông báo và nhất trí với quyết định này.

Các tin thế giới quan trọng khác trong ngày 14/3:

- Công tố viên Malaysia cho biết, Bộ trưởng Tư pháp nước này đã ra lệnh tiếp tục vụ xét xử Đoàn Thị Hương, nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam. Trưởng công tố Iskandar Ahmad không đưa ra giải thích nào khi từ chối rút lại cáo buộc giết người chống Đoàn Thị Hương.

- Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha khẳng định luật an ninh mạng mới được thông qua của nước này không phải được dùng để nghe trộm các cuộc điện thoại, mà nhằm tăng cường an ninh kinh doanh trực tuyến. Theo ông, luật an ninh mạng là để bảo vệ các doanh nghiệp trong bối cảnh có rất nhiều lừa đảo hoặc kinh doanh bất hợp pháp.

- Ấn Độ và Pakistan tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên về hành lang Kartarpur nhằm tạo điều kiện cho người hành hương Ấn Độ tới Pakistan dự lễ kỷ niệm 550 năm ngày sinh Đạo sư Nanak Dev tại Gurdwara Darbar Sahib - một đền thờ đạo Sikh nằm bên phía lãnh thổ phía Đông Pakistan. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar, cuộc đàm phán tại Attari, Ấn Độ, diễn ra "rất cởi mở", bàn về các khía cạnh kỹ thuật và dự thảo một thỏa thuận về hành lang cho phép miễn thị thực đối với người Ấn Độ hành hương.

- Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, dự kiến lô máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẽ được Mỹ chuyển giao cho Ankara trong tháng 11 tới. "Bất chấp một số tuyên bố, tiến trình mua các máy bay F-35 đang diễn ra suôn sẻ. Các phi công của chúng tôi đang được huấn luyện tại Mỹ", hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Akar nói.

- Nghị viện châu Âu (EP) đã phản đối Liên minh châu Âu (EU) khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, giáng một đòn bất ngờ vào nỗ lực của Brussels nhằm ngăn chặn chiến tranh thương mại với Washington. Theo kết quả bỏ phiếu trong cuộc họp của các nghị sĩ châu Âu ở Strasbourg (Pháp), có 223 phiếu chống, 198 phiếu thuận và 37 phiếu trắng dành cho sứ mệnh của EU bắt đầu thương lượng với Mỹ.

- Các công tố viên Slovakia thông báo đã truy tố doanh nhân Marian Kocner về tội ra lệnh sát hại nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra Jan Kuciak. Vụ việc này từng gây chấn động Slovakia và châu Âu, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn khiến Thủ tướng Slovakia khi đó bị mất chức.

- Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức một vòng tham vấn cấp chuyên viên khác để xác nhận quan điểm trái ngược về vấn đề bồi thường cho những việc làm sai trái trong thời chiến của Tokyo. Điều này báo hiệu sự bế tắc ngoại giao giữa hai nước.

- Chính quyền của bang Tây Australia đồng ý cho phép Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp tục thực hiện hợp đồng trị giá 205 triệu USD, xây dựng một mạng lưới các trạm điện thoại di động dọc theo các tuyến tàu hỏa ở thủ phủ Perth của bang sau khi nhận được những đảm bảo từ tập đoàn.

- Tajikistan xác nhận một người dân nước này thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong các vụ đụng độ với người Kyrgyzstan, liên quan một dự án đường bộ ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia Trung Á này.

Thanh Hảo