Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp

Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu phê chuẩn việc kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ 3, đến ngày 9/5.

{keywords}
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu tại Quốc hội hôm 22/4

Tình trạng khẩn cấp được tuyên bố lần đầu tiên hôm 14/3, nhằm thiết lập các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc di chuyển và các hoạt động kinh doanh.

Thủ tướng Pedro Sanchez cảnh báo quốc hội, giai đoạn giảm tải căng thẳng tiếp theo và hành trình trở về trạng thái bình thường “cần diễn ra từ từ và an toàn”.

Tây Ban Nha hiện có 208.389 ca nhiễm với 21.717 trường hợp tử vong, và là nước đã áp dụng lệnh giới hạn di chuyển nghiêm ngặt nhất ở châu Âu.

Hơn 25.000 người chết tại Italia

Ít nhất 25.085 người đã tử vong liên quan đến Covid-19 tại Italia, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này. Hiện 107.699 ca mắc bệnh vẫn đang được điều trị.

Tổng số ca nhiễm, bao gồm các ca tử vong và khỏi bệnh, hiện là 187.327. Italia có số ca nhiễm cao thứ 3 và số ca tử vong cao thứ 2 thế giới.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới

Mỹ hiện có 846.982 ca nhiễm Covid-19, trong đó 46.560 trường hợp tử vong. So với con số chiều 22/4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm đã tăng hơn 21.600 ca và có thêm 1.485 trường hợp tử vong được ghi nhận.

{keywords}
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 ra khỏi xe cứu thương ở bang Maryland, Mỹ hôm 21/4

Anh lo ngại về làn sóng thứ hai

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cảnh báo, làn sóng ca nhiễm thứ hai sẽ gây rủi ro lớn nhất cho đất nước, dẫn đến việc phải có khoảng thời gian phong toả tiếp theo.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab phát biểu tại Hạ viện hôm 22/4

“Rủi ro lớn nhất cho chúng ta bây giờ là nếu chúng ta nới lỏng các quy định giãn cách xã hội quá sớm, chúng ta có thể có một làn sóng các ca nhiễm virus thứ hai và một lệnh phong toả thứ hai, kéo dài những tác động kinh tế mà chúng ta đều đang phải trải qua”, ông Raab phát biểu trước báo giới.

Tương tự, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh - Giáo sư Chris Whitty cũng cho rằng kỳ vọng vào việc đột ngột dỡ bỏ tất cả các lệnh giới hạn phong toả sẽ là phi thực tế, ngay cả khi các bộ trưởng cho biết nước Anh đã vượt qua đỉnh dịch.

Hiện Anh ghi nhận 134.637 ca nhiễm với 18.151 trường hợp tử vong.

Ấn Độ bảo vệ nhân viên y tế

Ấn Độ đã ban bố một sắc lệnh hành pháp khẩn cấp để ngăn các hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế.

Hồi tháng 3, nhiều nhân viên y tế ở thủ đô New Delhi đã bị đuổi ra khỏi nơi ở và đe doạ cắt điện. Hồi đầu tháng này, CNN cũng đưa tin về một đám đông đã ném đá vào các nhân viên y tế tuyến đầu khi họ cố gắng điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona chủng mới tại bang miền Trung Ấn Độ Madhya Predesh.

{keywords}
Y bác sĩ tại bệnh viện Narayan Swaroop ở Allahabad cầm các tấm biển ghi thông điệp phản đối các vụ tấn công nhân viên y tế gần đây tại Ấn Độ

“Nhân viên y tế đang cố gắng cứu đất nước khỏi đại dịch, nhưng không may lại đang phải đối mặt với những sự tấn công”, Bộ trưởng Liên minh Ấn Độ P Javadekar cho biết. Ấn Độ hiện có 21.370 ca nhiễm Covid-19 và 681 trường hợp tử vong.

Ukraina gia hạn lệnh phong toả

Ukraina sẽ kéo dài các biện pháp phong toả phòng dịch Covid-19 đến 11/5, sau những dự đoán rằng dịch sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng sau.

{keywords}
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (thứ hai từ phải sang), trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ hôm 21/4

“Chúng ta cần phải nói chính xác cho người dân khi nào và những gì sẽ được mở cửa, và kế hoạch hành động của chính phủ là gì”, tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết. “Đỉnh dịch được dự kiến sẽ đạt vào đầu tháng 5. Mọi người cần phải hiểu rằng, họ có được phép đi bộ trong công viên, đến tiệm cắt tóc, phòng công chứng, luật sư và làm các công việc khác hay không”.

Ukraina hiện có 6.592 ca nhiễm và 174 trường hợp tử vong.

WHO hy vọng Mỹ sẽ nghĩ lại

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi quyết định ngừng đóng góp cho tổ chức này.

“Tôi hi vọng việc ngừng tài trợ sẽ được cân nhắc lại. Mỹ sẽ lại tiếp tục ủng hộ công việc của WHO và tiếp tục cứu người”, ông nói, đồng thời cảnh báo việc tái mở cửa hoạt động di chuyển giữa các nước cần được quản lý cẩn thận.

“Hầu hết các nước vẫn đang ở các giai đoạn đầu của đại dịch và một số nước bị ảnh hưởng sớm đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại. Đừng mắc sai lầm, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Con virus này sẽ còn ở lại với chúng ta trong một thời gian dài”, ông phát biểu tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Anh Thư