"Với số ca mắc tăng vọt, chúng ta sẽ chứng kiến việc leo thang tình hình", phát ngôn viên Bộ Y tế Đức Oliver Ewald tuyên bố trước báo giới ở Berlin hôm 22/10.

{keywords}
Người dân xếp hàng chờ tới lượt tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở một trung tâm tiêm chủng tại thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Cảnh báo của nhà chức trách Đức được đưa ra một ngày sau khi Viện Sức khỏe Robert Koch (RKI) cho biết trong một báo cáo hàng tuần rằng, tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày ở nước này đã tăng lên kể từ cuối tháng 9. Xu hướng tăng "đã trở nên rõ ràng ở hầu hết các nhóm tuổi trong tuần qua và dự kiến số ca mắc sẽ tăng nhanh trong khoảng thời gian tiếp theo của mùa thu và mùa đông".

Reuters trích dẫn thống kê của RKI cho hay, Đức hôm 22/10 ghi nhận thêm 19.572 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, tăng tới 70% so với một tuần trước đó. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 5.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế Đức lưu ý, việc gia tăng các ca mắc mới chưa dẫn đến tình trạng tăng vọt số bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực. Song, Hiệp hội chăm sóc tích cực DIVI của Đức đã lên tiếng báo động về diễn biến dịch phức tạp.

Christian Karagiannidis, chuyên gia cấp cao của DIVI viết trên Twitter rằng, có một mối tương quan rất chặt chẽ giữa tỷ lệ mắc bệnh và số ca nhập viện mới vì Covid-19. Ông Karagiannidis nhận định, làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang bắt đầu và chuẩn bị tăng tốc.

Các lãnh đạo của 16 bang trên toàn nước Đức dự kiến sẽ nhóm họp để thảo luận về các bước tiếp theo nhằm chống đại dịch cũng như duy trì hầu hết các biện pháp ngăn chặn virus hiện có. RKI cũng kêu gọi mọi công dân, kể cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh nên tuân thủ nghiêm các khuyến nghị phòng chống dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế các cuộc tiếp xúc không cần thiết, duy trì giãn cách xã hội, ...

Cho đến nay, Đức vẫn là điểm nóng về dịch ở châu Âu với gần 4,5 triệu ca mắc, bao gồm xấp xỉ 96.000 trường hợp tử vong. Hơn 66% trong tổng số khoảng 83 triệu dân trên toàn quốc đã hoàn thành tiêm chủng và gần 70% đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Campuchia cho phép tất cả trường học mở cửa

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo sẽ cho phép mọi trường học công và tư trên toàn quốc bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 1/11, với điều kiện tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống Covid-19.

Theo báo Khmer Times, để ngăn chặn virus lây lan trong trường học, mỗi lớp học chỉ được tập trung từ 15 - 20 học sinh để đảm bảo giãn cách. Các giáo viên và học sinh phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong suốt buổi học. Giáo viên chưa tiêm phòng tạm thời chưa được phép đứng lớp dạy trực tiếp, nhưng có thể dạy trực tuyến. Dịch vụ ăn uống bên trong trường tiếp tục bị cấm.

Trước đó, từ ngày 15/9, các học sinh lớp 9 và lớp 12 tại quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu quay trở lại trường học trực tiếp để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 22/10, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét mở lại các đường bay với một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines để đón các nhà đầu tư và du khách quốc tế trở lại đất nước.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 148 ca mắc mới, 11 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên 117.500 người, trong đó 2.715 bệnh nhân không qua khỏi. Nước này hiện xếp thứ 2 ở ASEAN sau Singapore về tỷ lệ tiêm phòng Covid-19, với 83% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, 78% tiêm đủ liều và 9.5% được chủng ngừa liều tăng cường.

Vắc xin Pfizer đạt hiệu quả gần 91% ở trẻ em

Trong báo cáo thử nghiệm lâm sàng gửi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), hãng dược phẩm Pfizer ngày 22/10 cho biết, vắc xin ngừa Covid-19 do họ hợp tác phát triển cùng công ty dược phẩm Đức BioNTech đạt hiệu quả 90,7% ở trẻ từ 5 - 11 tuổi.

Các cố vấn cho FDA dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 26/10 để bỏ phiếu quyết định liệu có nên khuyến nghị cơ quan này phê chuẩn sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho nhóm trẻ nói trên hay không. Trong trường hợp FDA phê duyệt, nhóm cố vấn sẽ tiếp tục họp trong các ngày 2 - 3/11 để đưa ra những khuyến nghị về cách thức tiêm phòng.

Cùng ngày, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng tuyên bố, nhà chức trách có thể tiêm liều tăng cường cho dân bằng vắc xin khác so với loại đã tiêm trước đó. Song, ông Fauci vẫn đề nghị chỉ sử dụng một loại vắc xin khi tiêm bổ sung nếu có đủ vắc xin.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 46,2 triệu ca mắc, 755.498 bệnh nhân không qua khỏi. 57% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 3,5% được tiêm mũi vắc xin bổ sung, theo báo New York Times.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 23/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 243,7 triệu người, xấp xỉ 5 triệu ca tử vong. Song, hơn 222,8 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 22/10 thông báo, nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng gián đoạn do đại dịch, cũng như cho phép một số du khách quay trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi từ giữa tháng 11.

- Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, khi 90% dân số toàn quốc tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, nước này sẽ chuyển sang hệ thống “đèn giao thông”. Trong đó, ngay cả ở chế độ “đỏ”, mức hạn chế cao nhất được triển khai để bảo vệ hệ thống y tế trước sự bùng phát mạnh của virus, các doanh nghiệp vẫn có thể mở cửa và những người đã tiêm phòng có thể sử dụng các dịch vụ tương đối tự do. Song, những người chưa có giấy chứng nhận chủng ngừa sẽ bị áp các hạn chế nghiêm ngặt như không được tụ tập quá 10 người, chỉ được mua đồ ăn mang về, phải học trực tuyến và không được đến các tiệm cắt tóc, quán bar hay phòng tập thể dục.

- Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka của Nhật hôm 22/10 công bố quyết định sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với nhà hàng và quán bar từ đầu tuần tới. Đây là lần đầu tiên Tokyo dỡ bỏ các hạn chế này trong 11 tháng qua, sau khi ghi nhận 26 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6 năm ngoái, trong bối cảnh số ca nhiễm trên toàn quốc tiếp tục giảm nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Tuấn Anh

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Dịch giảm mạnh ở ASEAN, Anh nhận tin buồn về Covid-19

Dịch giảm mạnh ở ASEAN, Anh nhận tin buồn về Covid-19

Diễn biến dịch Covid-19 đang có chiều hướng lắng dịu tại nhiều nước Đông Nam Á, trong bối cảnh các chính phủ trong khu vực nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân.

Indonesia giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, Brazil vượt mốc buồn Covid-19

Indonesia giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, Brazil vượt mốc buồn Covid-19

Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia thông báo, nước này sẽ giảm thời gian cách ly sau khi nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.