Theo thống kê của trang Worldometers, thế giới cũng chứng kiến 1.950.015 bệnh nhân Covid-19, tương đương gần 40% ca dương tính với virus corona chủng mới đã hồi phục sau điều trị.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 với tổng số ca mắc (gần 1,6 triệu người) và tổng số trường hợp tử vong (93.384 người) đều cao nhất thế giới. Các "ổ dịch" lớn tiếp theo tính đến sáng 20/5 là Nga với gần 300.000 ca nhiễm và 2.837 người thiệt mạng, Tây Ban Nha với 27.778 ca tử vong trong tổng số gần 279.000 bệnh nhân Covid-19 và Brazil với xấp xỉ 266.000 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới và 17.840 ca tử vong.

{keywords}
Một gia đình ở Herat, Afghanistan nhận lương thực cứu trợ giữa lúc nước này áp lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: EPA

Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo hậu quả tồi tệ

Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass cảnh báo, sự hoành hành của dịch Covid-19 cùng việc áp dụng các biện pháp giới hạn, phong tỏa nhằm dập dịch khắp toàn cầu có thể tiêu hủy những thành quả thế giới đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo suốt 3 năm qua.

Ông Malpass trích dẫn dự báo của WB cho hay, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra có thể đẩy 60 triệu người trên thế giới xuống dưới mức nghèo khổ, khi nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm khoảng 5%.

Theo Chủ tịch WB, cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã cho 100 quốc gia, chiếm tổng cộng khoảng 70% dân số thế giới, vay tiền để phục vụ các chương trình khẩn cấp đối phó với khủng hoảng. Những khoản vay này dự kiến sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân cũng như chi trả cho việc mua sắm thêm trang thiết bị y tế chống dịch.

Số ca tử vong vì Covid-19 tăng trở lại ở Italia

Nhà chức trách Italia thông báo, số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này trong 24 giờ qua là 162 người, tăng nhẹ trở lại sau 4 ngày giảm. Cơ quan bảo vệ dân sự Italia cho biết, tính đến hết ngày 19/5, quốc gia hình chiếc ủng ghi nhận 32.169 trường hợp thiệt mạng (cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh) trong tổng số 226.699 bệnh nhân Covid-19.

Theo CNN, diễn biến tiêu cực xảy ra khi các nhà hàng, quán bar, các cửa hàng bán lẻ, tiệm cắt tóc và bảo tàng ở hầu hết các vùng thuộc Italia bắt đầu tái mở cửa hồi đầu tuần này sau gần 10 tuần tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng và khối nợ công được dự đoán sẽ tăng lên tương đương hơn 150% GDP, Chính phủ Italia đã thận trọng nới lỏng các biện pháp giới hạn nhằm khôi phục nền kinh tế nhưng không gây ra đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai.

Hàng chục nghìn nhân viên y tế ở Đức nhiễm Covid-19

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Đức cho hay, hơn 20.400 nhân viên y tế ở nước này đã nhiễm Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát, chiếm khoảng 11% trong tổng số ca mắc trên toàn quốc. Trong đó, 61 y, bác sĩ đã tử vong và khoảng 19.100 nhân viên y tế đã hồi phục.

Viện Robert Koch thống kê, trong 24 giờ qua, Đức có thêm 534 ca nhiễm mới Cvid-19 và 70 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số ca mắc lên gần 178.000 người với 8.193 trường hợp tử vong.

Bang Bavaria hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch, chiếm tới 26% tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới và 29% tổng số ca tử vong trên toàn quốc.

WHO khẳng định tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế thế giới hôm 19/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu bằng mọi công cụ có trong tay.

Ông Ghebreyesus cảm ơn các nước thành viên đã bày tỏ sự ủng hộ WHO, đồng thời cam kết tổ chức y tế lớn nhất hành tinh sẽ luôn "minh bạch, chịu trách nhiệm và không ngừng cải thiện". Một ngày trước đó, quan chức này tuyên bố sẽ xúc tiến đánh giá độc lập về cách ứng phó của WHO trước đại dịch toàn cầu.

Trong các phát biểu mới nhất, ông Ghebreyesus không nhắc đến đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm ngưng tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này "nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất, đáng kể trong vòng 30 ngày tới". Song, một phát ngôn viên của WHO xác nhận đã nhận được thư cảnh báo của lãnh đạo Nhà Trắng và đang xem xét các nội dung đề cập trong đó.

Cả Nga và Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái của ông Trump. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thậm chí yêu cầu Washington ngưng "trò chơi đổ tội" và cùng bắt tay với cộng đồng quốc tế để khống chế dịch Covid-19 thành công.

Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:

- Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change phát hiện, sự phát thải các-bon trên toàn cầu trong thời gian nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm dập dịch Covid-19 đã giảm xuống đáng kể. Cụ thể, mức phát thải khí độc hại hàng ngày trong giai đoạn từ tháng 1 đến đầu tháng 4 đã giảm 17% so với mức trung bình năm 2019 và dự kiến có thể giảm từ 4,4 - 8% vào cuối năm nay. Trong đó mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, nơi khởi phát dịch.

- Văn phòng báo chí Điện Kremlin hôm 19/5 thông báo, sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tạm thời điều hành chính phủ từ ngày 30/4 đã hết hiệu lực khi Thủ tướng Mikhail Mishustin quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Cùng ngày, ông Putin đã ký sắc lệnh khôi phục quyền lãnh đạo chính phủ cho Thủ tướng Mishustin.

- Theo thông cáo mới của Hội đồng Bộ trưởng Iraq, nước này sẽ áp lệnh giới nghiêm hoàn toàn đối với các xe cộ và người đi bộ trong kỳ nghỉ lễ Hồi giáo Eid al-Fitr, bắt đầu từ ngày 24/5 - 28/5. Kể từ khi dỡ bỏ một phần lệnh giới nghiêm từ 17h hôm trước tới 5h sáng hôm sau vào đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, quốc gia Trung Đông này đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19.

- Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, số ca tử vong vì virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ của nước này đã giảm xuống dưới 100 người ngày thứ 3 liên tiếp, mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Chính phủ Tây Ban Nha ngày 19/5 cho biết sẽ gia hạn thêm 2 tuần sắc lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm dập dịch Covid-19.

Tuấn Anh