Theo hãng thông tấn Reuters, phía Pfizer cho biết loại thuốc uống, ký hiệu PF-07321332, sẽ được thử nghiệm trên 2.660 tình nguyện viên là người lớn khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, sống cùng một bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Những người này còn được tiêm một lượng nhỏ Ritonavir, loại dược phẩm được sử dụng để điều trị HIV.

Hồi đầu tháng, Pfizer cho biết đã bắt đầu các thử nghiệm giai đoạn giữa và cuối của thuốc PF-07321332 đối với các bệnh nhân Covid-19 không biểu hiện triệu chứng. Công ty này đang cạnh tranh với nhiều hãng dược khác, như Merck & Co của Mỹ hay Roche Holding AG của Thụy Sĩ, trong việc điều chế thuốc ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

{keywords}
Hình minh họa: Reuters

Cũng vào đầu tháng này, Merck & Co cùng đối tác Ridgeback Biotherapeutics thông báo đã bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 cho cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đối với loại thuốc ngừa virus corona có tên gọi Molnupiravir do hai hãng hợp tác sản xuất.

EU xem xét tiêm liều bổ sung vắc xin Moderna

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) hôm 27/9 cho biết đang đánh giá khả năng tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 của Moderna đối với những người trên 12 tuổi. Dù giới chức châu Âu vẫn chưa phê duyệt việc tiêm liều nhắc lại đối với vắc-xin Covid-19, song số ca nhiễm mới gia tăng, cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus corona, có thể buộc họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung.

Đơn đăng ký vắc xin Covid-19 của Moderna, còn được gọi là Spikevax, đã được hãng dược Mỹ đệ trình lên EMA, trong đó có cả các kết quả từ một cuộc thử nghiệm đang diễn ra đối với loại vắc xin này. 

Nhiều quốc gia thuộc khối EU đã quyết định thông qua việc tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19, bất chấp việc phải đối mặt với những rủi ro pháp lý cao hơn do không có sự chấp thuận chính thức từ EMA.

Indonesia sẽ xem Covid-19 như ‘bệnh đặc hữu’

Trong một bài đăng trên trang Instagram, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận định người dân sẽ phải chuẩn bị tinh thần để sống chung với Covid-19, và xem nó như một loại “bệnh đặc hữu” vì virus corona sẽ không biến mất khỏi Trái đất trong một thời gian dài.

Tổng thống Widodo cũng cho biết suốt 1 năm rưỡi qua, Indonesia đã phải vật lộn để ứng phó với dịch Covid-19, song tình trạng này đã được cải thiện gần đây. Các cơ sở y tế hiện không còn quá đông bệnh nhân, trong khi các khu cách ly tập trung tại nhiều thành phố đang bắt đầu được nới lỏng. Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) đã được giảm cấp độ tại nhiều vùng. Các trung tâm mua sắm, nhà thờ, địa điểm du lịch đã bắt đầu mở cửa trở lại, và các trường học bắt đầu cho phép học sinh trực tiếp lên lớp.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Indonesia lưu ý rằng kết quả này không thể tách rời khỏi việc duy trì thực hiện PPKM, tiêm chủng đại trà và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định y tế. Tổng thống Widodo cũng yêu cầu người dân giữ gìn ý thức và không được mất cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.

Hàn Quốc sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 27/9 thông báo nước này sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đồng thời cung cấp các liều tiêm nhắc lại đối với những người từ 75 tuổi trở lên vào tháng tới. Quyết định được Ủy ban cố vấn tiêm chủng của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đưa sau, khi nhận thấy việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em thuộc nhóm tuổi trên mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro.

Dù vậy, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 27/9, Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong cho biết việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi không mang tính bắt buộc. Các bậc cha mẹ có con khỏe mạnh và không có bệnh lý tiềm ẩn nào nên cân nhắc những lợi ích tương đối của vắc xin trước khi đưa ra quyết định cuổi cùng.

Bên cạnh đó, ông Jeong Eun-kyeong cũng thông báo sẽ tiêm liều nhắc lại vắc xin Covid-19 của Pfizer/ BioNTech và Moderna cho những người có hệ miễn dịch yếu hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như người già, bệnh nhân và nhân viên các viện dưỡng lão.

Tính đến hết ngày 26/9, khoảng 74,2% trong tổng số hơn 52 triệu dân Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong đó có hơn 45% đã được tiêm đủ 2 liều. Hơn 91% người Hàn Quốc từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong khi tỷ lệ này đối với những người từ 18 tuổi trở lên là 86,3%.

New Zealand cho phép du khách đã tiêm phòng được cách ly tại nhà

New Zealand sẽ bắt đầu cho phép một số lượng nhỏ khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ được cách ly tại nhà thay vì ở các cơ sở cách ly do nhà nước quản lý.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 27/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết đây là một phần trong các phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn để mở cửa trở lại biên giới của nước này. Việc thí điểm biện pháp trên sẽ được triển khai vào tháng tới đối với 150 du khách. Những người này phải là công dân hoặc thường trú nhân của New Zealand, và đã được xác nhận tiêm chủng đầy đủ.

Hiện tại, người nhập cảnh vào New Zealand vẫn phải cách ly trong các cơ sở do nhà nước quản lý trong vòng ít nhất 14 ngày. Nhiều du khách cho biết, những cơ sở này có sức chứa hạn chế và luôn trong tình trạng đã đầy phòng.

Theo số liệu từ Đại học John Hopkins (Mỹ), khoảng 36,3% dân số New Zealand đã được tiêm đủ liều vắc xin. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, cần ít nhất 90% dân số đủ điều kiện của nước này được tiêm đầy đủ trước khi các biện pháp hạn chế cứng rắn có thể được gỡ bỏ.

>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

Việt Anh

Những con số báo hiệu đại dịch Covid-19 chấm dứt

Những con số báo hiệu đại dịch Covid-19 chấm dứt

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hai viễn cảnh cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào. Đó là sự kết thúc về mặt y tế và xã hội.

Đức hỗ trợ bổ sung 2,6 triệu liều vắc xin cho Việt Nam

Đức hỗ trợ bổ sung 2,6 triệu liều vắc xin cho Việt Nam

Lô vắc xin tổng cộng 2,6 triệu liều AstraZeneca đã về đến TP.HCM, được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức như Thủ tướng Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính.