Vấn đề biến đổi khí hậu, hiện trạng các đại dương và sự đa dạng sinh học trên Trái đất được coi là một chủ đề "nóng" tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, trong bối cảnh dư luận toàn cầu đang hết sức quan ngại về vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng ở Amazon, Brazil, nơi được coi là "lá phổi của thế giới".

{keywords}
Ông Trump vắng mặt trong phiên thảo luận của các lãnh đạo G7 về vấn đề khí hậu, đại dương và sự đa dạng sinh học. Ảnh: Washington Post

Ngay trước khi phiên thảo luận bắt đầu hôm nay, 26/8, các phóng viên Mỹ cho biết, họ nhìn thấy chiếc ghế dành cho ông Trump bỏ trống trong khi mọi lãnh đạo G7 khác đều có mặt.

Các đại diện Nhà Trắng từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu ông Trump có đến dự họp sau khi các phóng viên phải rời đi hoặc liệu ông có bỏ họp hoàn toàn hay không.

Tuy nhiên, theo báo The Independent, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó xác nhận, ông Trump không dự phiên họp của G7 về vấn đề khí hậu. Ông Macron cho biết đã có "các cuộc thảo luận dài" với người đồng cấp Mỹ về việc cháy rừng nhiệt đới Amazon và các sáng kiến môi trường khác, nhưng ông Trump lỡ họp vì bận các cuộc gặp song phương khác.

{keywords}
Cận cảnh chỗ ngồi dành cho tổng thống Mỹ bị bỏ trống. Ảnh: Twitter

Tờ USA Today đưa tin, ông Trump đã nói với các trợ lý rằng, hội nghị của các lãnh đạo thế giới tại Biarritz tập trung quá nhiều vào khí hậu và các vấn đề môi trường khác. Các quan chức Nhà Trắng tiết lộ, tổng thống Mỹ muốn sự kiện chú trọng giải quyết các vấn đề kinh tế nhiều hơn. Vì vậy, chính ông Trump đã thúc đẩy và nhất quyết đòi tổ chức một phiên họp của G7 về vấn đề kinh tế toàn cầu hôm 24/8.

Tổng thống Trump được cho là có nhiều bất đồng với nguyên thủ của các nước thành viên G7 khác, đặc biệt về vấn đề khí hậu sau khi ông vào năm 2017 đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu (thỏa thuận COP21) như cam kết hồi còn vận động tranh cử.

Bất chấp việc ông Trump bỏ họp, các lãnh đạo G7 còn lại đã nhất trí sẽ lập một quỹ cứu trợ khẩn, trị giá 20 triệu USD để giúp các nước vùng Amazon, đặc biệt là Brazil chống lại "giặc lửa" cũng như xúc tiến một sáng kiến toàn cầu dài hạn để bảo vệ vùng rừng nhiệt đới đang cung cấp tới gần 20% lượng ôxy cho Trái đất này.

Tuấn Anh