Trong cuộc phỏng vấn mới với hãng thông tấn Al Jazeera, khi được hỏi liệu Pakistan có dùng vũ khí hạt nhân tấn công nước láng giềng trong trường hợp bùng phát xung đột quy mô lớn hay không, ông Khan khẳng định bản thân là người chống chiến tranh nên Islamabad sẽ không phải là bên châm ngòi chiến tranh trước.

{keywords}
Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: GulfNews

Tuy nhiên, Thủ tướng Pakistan nhanh chóng cho biết, khi hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí nguyên tử lún sâu vào một cuộc chiến tranh thông thường, "vẫn có khả năng là mọi thứ rốt cuộc sẽ biến thành chiến tranh hạt nhân". Ông cũng gửi một thông điệp rõ ràng rằng, nếu Pakistan bị dồn vào nước đường cùng "hoặc phải đầu hàng, hoặc phải chiến đấu đến chết", nước này sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để đánh Ấn Độ.

Theo báo RT, trong vài tuần trở lại đây ông Khan liên tục khuyến cáo, xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ liên quan đến vùng Kashmir đang tranh chấp có nguy cơ biến thành một cuộc đụng độ hạt nhân nếu các cường quốc thế giới và Liên Hợp Quốc không can thiệp. Những thông điệp công khai của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng gây khó hiểu về chiến lược hạt nhân của chính phủ Pakistan.

Hồi đầu tháng này, ông Khan từng "thề" sẽ không dùng vũ khí hạt nhân trước để chống New Delhi. Song, phát ngôn viên của thủ tướng Pakistan sau đó đính chính rằng phát biểu của ông đã bị "tách khỏi ngữ cảnh" và "không có thay đổi nào về quan điểm hạt nhân" của Islamabad, vốn được tin không loại trừ khả năng tấn công trước để đối phó thế lực áp đảo.

Kể từ giữa những năm 1940, giữa Pakistan và Ấn Độ từng xảy ra 3 cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn cũng như nhiều vụ va chạm nhỏ hơn ở khu vực biên giới. Hầu hết các vụ đụng độ này tập trung quanh khu vực Kashmir, nơi hoạt động pháo kích xuyên biên giới thường xuyên diễn ra dọc theo đường kiểm soát (LoC).

Tuấn Anh