Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu chỉ trích Nga áp cấm vận sau vụ bắn chiến đấu cơ Su-24 ở biên giới Syria tuần trước, nhấn mạnh ưu tiên của ông là tháo ngòi căng thẳng và ngăn chặn các vụ việc tương tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/11 tuyên bố một loạt biện pháp cấm vận nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có dừng việc đi lại miễn thị thực, dừng các tour tới nước này và cấm thuê người Thổ Nhĩ Kỳ.

{keywords}
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. (Ảnh: Anadolu Agency)

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn thạo tin ở thủ đô Ankara cho biết, Phó thủ tướng Mehmet Simsek đã ngay lập tức chủ trì một cuộc họp với các thành viên khác trong cơ quan quản lý kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về những tác động tiềm tàng.

"Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả Nga cũng có các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Thổ", Thủ tướng Davutoglu nhấn mạnh và cho biết phía Ankara hy vọng các quan chức ở Moscow hành động một cách bình tĩnh.

Vụ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Su-24 của Nga ở biên giới Syria đã phủ bóng lên các nỗ lực tiến hành một chiến dịch thống nhất chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11. Tổng thống Putin ví sự việc này như cú đâm vào lưng Nga.

Phát biểu trước khi đi tới Brussels để họp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Davutoglu khẳng định ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là duy trì liên lạc mở với Nga và hợp tác với các chiến dịch ở Syria. Ông nêu thêm, vụ Su-24 "cho thấy rõ ràng rằng các chiến dịch trên không của hai liên minh tách biệt ở cùng một vùng không phận có thể dẫn đến các vụ tương tự", ông nói thêm.

Theo một quan chức giấu tên, ông Simsek - người vừa được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan quản lý kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong nội các mới được thành lập ngày 24/11 - sẽ báo cáo với ông Davutoglu sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ họp xong với NATO ở Brussels trở về.

Bất cứ phản ứng nào đều sẽ do ông Davutoglu quyết định. Nguồn tin này nói thêm, cấm vận kinh tế sẽ ảnh hưởng tới cả hai nước, vì họ đều được lợi từ các quan hệ thương mại song phương.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi yêu cầu để Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Putin ngày 30/11 trong thời gian diễn ra hội nghị khí hậu ở Paris. Thông tin này được Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, xác nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Tuy nhiên, phía Moscow vẫn chưa phản hồi.

Apostolos Bantis, một nhà phân tích tín dụng tại ngân hàng Commerzbank AG ở Dubai nhận định, dù còn quá sớm để đánh giá tác động của cấm vận Nga lên nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chắc chắn sẽ xấu vì nước này có nguy cơ mất đi một nguồn thu lớn từ du lịch.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến của rất nhiều người Nga, với khoảng 3,3 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm nay. Người Nga chiếm hơn 10% lượng du khách tới Thổ Nhĩ Kỳ, cao thứ 2 sau người Đức.

"Chúng tôi dự doán các thị trường sẽ phản ứng tiêu cực và chúng ta sẽ chứng kiến nhiều biến động ở tất cả các tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến khi các thực thể và sản phẩm cụ thể bị cấm vận trở nên rõ ràng hơn", Bantis nhận xét thêm.

Giao thương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt khoảng 32 tỷ USD trong năm 2014, với cán cân nghiêng về phía Nga, theo các dữ liệu mà Bloomberg thống kê. Nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 26 tỷ USD trong tổng số tiền này, hầu hết là khí đốt.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 3,3% giá trị trước đồng đôla vào tuần trước, mức giảm sâu thứ 2 trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi sau đồng Real của Brazil.

Thanh Hảo