Ngay từ những ngày đầu 2016, thế giới đã chứng kiến căng thẳng ngoại giao giữa Ảrập Xêút và Iran, một Trung Đông đầy bất ổn, cùng loạt hành động tàn ác của IS.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương suy yếu

Tạp chí TIME cho rằng, nguy hiểm lớn nhất trong năm 2016 là một sự xói mòn của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương vốn đã mang lại sự ổn định rất lớn cho thế giới trong nhiều thập niên.

{keywords}
Ngoại trưởng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Reuters)

Quan hệ đối tác Xuyên-Đại Tây Dương là liên minh quan trọng nhất trên thế giới trong gần 70 năm qua. Tuy nhiên, quan hệ này hiện nay đang yếu đi và xa cách chưa từng có. Mỹ không còn đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết bất cứ ưu tiên hàng đầu nào của châu Âu nữa.

Vai trò của Nga ở đông Ukraina và sự can thiệp của Moscow vào cuộc chiến Syria sẽ càng lật tẩy những rạn nứt Âu - Mỹ. Khi các con đường của Mỹ và châu Âu rẽ hướng thì sẽ không còn ai "giữ lửa" cho cả thế giới. Đặc biệt, các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ tự do bùng cháy.

Châu Âu khép kín

Năm 2016, bất đồng ở châu Âu sẽ lên đến đỉnh điểm bởi xung đột cốt lõi nổ ra giữa một châu Âu Mở và một châu Âu Đóng. Sự kết hợp của bất bình đẳng, tị nạn, khủng bố cùng áp lực chính trị cơ bản sẽ tạo ra thách thức chưa từng có đối với các quy tắc mà dựa vào đó Liên minh châu Âu (EU) ra đời.

Nguy cơ Anh ra khỏi EU lớn hơn nhiều người vẫn nghĩ. Các nền kinh tế ở châu Âu sẽ tiếp tục gắn bó trong năm 2016, nhưng ý nghĩa rộng lớn hơn và kết cấu xã hội của khối sẽ không được như vậy.

Dấu ấn Trung Quốc

Chưa từng có nước nào ở mức độ phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc tạo ra được một dấu ấn toàn cầu mạnh mẽ đến như vậy.

Sự công nhận trong năm 2016 rằng Trung Quốc là động lực quan trọng nhất và không chắc chắn nhất của một loạt tác động toàn cầu sẽ ngày càng khiến các chủ thể quốc tế khác lo âu, vì họ chưa sẵn sàng cũng như không hiểu hoặc tán thành các ưu tiên của Trung Quốc, nhưng không biết cách phản ứng.

IS và "những người bạn"

Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS) là tổ chức khủng bố mạnh nhất thế giới hiện nay, thu hút chiến binh từ khắp các nước. Nhưng phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với sự lớn mạnh của tổ chức này vẫn chưa tương xứng, sai lạc và chồng chéo mục đích.

{keywords}
IS đã chiếm nhiều dải đất rộng lớn ở Iraq và Syria. (Ảnh: Reuters/Stringer)

Trong năm 2016, vấn đề này sẽ càng trở nên phức tạp. IS cùng các tổ chức khủng bố anh em khác sẽ tận dụng cơ hội. Dễ bị tấn công nhất vẫn là những nước mà IS có lý do để nhắm tới như Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút và Mỹ, và những quốc gia đông người Sunni như Iraq, Jordan, Ai Cập....

Rạn nứt của Ảrập Xêút

Vương quốc này sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn leo thang trong năm 2016. Vị thế ngày càng tách biệt sẽ khiến Ảrập Xêút hành động hăng hái hơn ở Trung Đông. Nguy cơ chia rẽ trong nội bộ Hoàng gia ngày càng cao, và viễn cảnh về một cuộc xung đột công khai sẽ trở thành hiện thực.

Nguồn cơn khiến Ảrập Xêút lo lắng bên ngoài biên giới là Iran, nước sắp được dỡ bỏ cấm vận. Mới đây, việc Ảrập Xêút xử tử giáo sĩ Shiite hàng đầu và Iran đáp trả bằng sự thù địch công khai sẽ càng khiến cho các cuộc xung đột ở Syria, Yemen và các nơi khác trong khu vực thêm phức tạp.

Thanh Hảo