Tại một cuộc hội thảo của Hiệp hội Xúc tiến khoa học Hoa Kỳ tại thành phố Seattle hôm 16/2, bà Lynne Carpenter-Boggs, giáo sư thổ nhưỡng học và nông nghiệp bền vững ở đại học Washington State cho biết: “Chắc chắn cái chết không phải là thứ gây ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong cả quãng đời của chúng ta, song nó vẫn có tác động đáng kể và chúng ta vẫn có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế”.

Gần đây, Washington đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ hợp pháp hoá việc chế tạo phân hữu cơ từ thi thể người, trong khi các công ty mai táng ở Anh cho biết số lượng yêu cầu phương thức 'mai táng xanh' này đang gia tăng đáng kể, bên cạnh các hình thức thay thế mang tính bền vững hơn ngoài chôn cất và hoả táng.

{keywords}
Quá trình 'cô đọng hữu cơ tự nhiên' biến một thi thể người thành một lượng đất chất đầy 2 xe cút kít trong vòng 4 đến 6 tuần

Bà Carpenter-Boggs cũng là cố vấn khoa học cho Recompose, một công ty có trụ sở tại Seattle đang có kế hoạch mở cơ sở sản xuất phân bón thi thể người đầu tiên trên thế giới từ năm sau. Bà đã trình bày các dữ liệu từ một dự án thí điểm trong đó 6 thi thể đã được ủ thành phân để thử nghiệm mức độ an toàn và hiệu quả của phương thức này.

Quá trình cô đọng hữu cơ tự nhiên này biến một thi thể người thành một lượng đất chất đầy 2 xe cút kít trong vòng 4 đến 6 tuần. Thi thể người được đặt trong một chiếc hộp thép sáu cạnh có thể sử dụng lại, cùng với các mảnh vụn gỗ, cỏ linh lăng và rơm. Bằng cách kiểm soát cẩn thận độ ẩm và tỉ lệ khí CO2, nitơ và ôxy, hệ thống này tạo ra các điều kiện hoàn hảo cho các vi sinh vật ưa nhiệt, giúp quá trình phân huỷ diễn ra nhanh gấp nhiều lần tốc độ thông thường.

Dự án thí điểm cho thấy mọi thứ trong thi thể người, bao gồm xương và răng, đều đã được chuyển thành phân bón. Đất thành phầm có chỉ số vi khuẩn coliform thấp, thể hiện an toàn sinh học. Điều này có nghĩa là gia đình có thể rải thi thể người đã khuất như vẫn làm với tro sau khi hoả táng, hoặc dùng đất này để trồng một bụi hồng hay bón cho vườn rau.

Chu trình này chỉ sử dụng mức năng lượng bằng 1/8 so với hoả táng. Theo bà Carpenter-Bogg, hoả táng ở Mỹ sản sinh nhiều khí CO2 bằng với việc đốt 800.000 thùng dầu. Đối với mỗi cá nhân, lượng này đủ cho một lần bay từ London (Anh) đến Rome (Italia).

Phương thức chôn cất cũng có thể gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. Các chất lỏng dùng để ướp xác có thể rỉ ra các mạch nước ngầm, trong khi việc sản xuất quan tài cũng tiêu tốn nhiều tài nguyên tự nhiên như gỗ và kim loại.

Ngoài phương thức ủ phân còn có một số phương thức mai táng thay thế khác như mai táng bằng thuỷ phân, hay còn gọi là “hoả táng nước”, một phương thức hợp pháp tại Mỹ. Sandy Sullivan, nhà sáng lập của công ty Resomation chuyên bán các máy mai táng thuỷ phân ở Mỹ cho biết, phương thức này có giá thành thấp và thân thiện với môi trường hơn rất nhiều.

Với quy trình này, thi thể được đặt trong một bể áp suất có nước pha lẫn với kali hydroxit (KOH), sau đó được đun nóng lên nhiệt độ khoảng 150 độ C. Sau vài giờ, thi thể chỉ còn lại xương, sẽ được nghiền mịn thành một chất bột trắng. “Tôi nghĩ phương thức này nhẹ nhàng hơn hoả thiêu”, bà Sullivan nói. “Các gia đình chọn nó chủ yếu vì họ thấy nó nhẹ nhàng hơn”.

Anh Thư