Lễ hội thuần hóa trâu bò Jallikattu ở Ấn Độ

{keywords}
Ảnh: Times of India 

Jallikattu là lễ hội thuần hóa trâu, bò có lịch sử hàng nghìn năm ở miền nam Ấn Độ và cũng là một môn thể thao lâu đời nhất vẫn còn được ưa chuộng cho đến ngày nay tại đất nước này. Lễ hội Jallikattu nổi tiếng nhất diễn ra ở bang Tamil Nadu, trong khuôn khổ Đại lễ Pongal chào đón mùa vụ mới được tổ chức thường niên vào tháng 1.

Vào ngày lễ hội, một con trâu dữ hoặc bò tót sẽ được thả vào giữa đám đông. Hàng trăm người đàn ông đăng ký tham gia sự kiện sẽ tìm cách bám chặt vào bướu trên lưng con vật hung hăng, chế ngự nó càng lâu càng tốt và trong một vài trường hợp có thể phải cưỡi lên lưng, rồi lấy cuộn tiền, vàng hay giải thưởng gắn trên chiếc sừng nhọn hoắt của nó để được công nhận chiến thắng.

{keywords}
Ảnh: BBC

Mỗi kỳ lễ hội ở Tamil Nadu luôn có vô số người bị thương, thậm chí thiệt mạng vì bị trâu, bò húc hoặc người chơi khác giẫm đạp trong lúc tranh giành giải thưởng. Năm 2014, Tòa án tối cao Ấn Độ từng ra lệnh cấm tổ chức Jallikattu sau nhiều cuộc biểu tình phản đối lễ hội, vì nguy cơ gây thương vong lớn cho người tham gia cũng như tình trạng đối xử tàn bạo với động vật.

Tuy nhiên, theo BBC, nhiều chính trị gia Ấn Độ vẫn ủng hộ Jallikattu và lệnh cấm lễ hội đã bị dỡ bỏ vào cuối năm 2017.

Lễ hội Ngưu quỷ ở Nhật Bản

Lễ hội Uwajima Ushi-oni hay còn gọi là lễ hội Ngưu quỷ Uwajima diễn ra hàng năm từ ngày 22 - 24/7 ở Uwajima thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản. Lễ hội thường niên nhằm xua đuổi tà ma này được tin bắt nguồn từ một sự kiện hồi thế kỷ 16.

{keywords}
Ảnh: Japan Times

Lễ hội Ngưu quỷ chính thức được tổ chức vào năm 1950 với tên gọi ban đầu là Uwajima Shoko. Sự kiện bắt đầu có thêm nghi thức diễu hành hình nộm ngưu quỷ vào năm 1967 và đến năm 1996 thì được đổi tên thành Uwajima Ushi-oni như ngày nay.

Người dân địa phương sử dụng vải đỏ, lá cọ phủ khung tre và gỗ để chế hình nộm ngưu quỷ dài 5 - 6 mét với đuôi hình thanh kiếm và cổ rất dài cho lễ diễu hành. Theo quan niệm truyền thống, khi chiếc cổ dài của hình nộm chạm vào ngôi nhà nào thì ngôi nhà đó đã được xua đuổi tà ma.

Lễ hội chạy cùng bò tót ở Tây Ban Nha

{keywords}
Ảnh: Wikimedia

Lễ hội Fiesta de San Fermin, còn được biết đến với tên gọi lễ hội chạy cùng bò tót Pamplona, diễn ra vào tháng 7 hàng năm ở Pamplona, Tây Ban Nha nhằm tưởng nhớ vị thánh bảo trợ của thành phố. Dù ra đời từ cách đây hàng trăm năm nay, nhưng lễ hội chỉ thực sự thu hút sự chú ý của du khách cách đây gần 100 năm, sau khi đại văn hào Ernest Hemingway cho xuất bản cuốn truyện nổi tiếng Fiesta, trong đó có miêu tả về lễ hội với những cuộc lùa và đấu bò tót gay cấn, hấp dẫn.

Theo truyền thống, trong một tuần diễn ra lễ hội, hàng ngày sẽ có 6 con bò tót dẫn đường cùng 6 con bò tót hung hãn khác được thả vào trong những khu phố chật hẹp và nhiệm vụ của người chơi là chạy về đích nhanh nhất có thể.

Tham gia cuộc rượt đuổi giữa người và bò cùng với người dân bản xứ là khách du lịch đến từ khắp năm châu. Hai bên đường có rào gỗ chắn và trên các bậu cửa sổ, ban công là hàng trăm nghìn người dân địa phương và khách du lịch đứng xem, cổ vũ.

{keywords}
Ảnh: Wikimedia

Sự mạo hiểm của trò chơi được tin tạo nên sức hấp dẫn của lễ hội. Lũ bò tót hung hãn khi bị lùa sẽ hăng máu rượt đuổi người trên những cung đường định sẵn và không ngần ngại giẫm đạp lên bất cứ chướng ngại vật nào trên đường cũng như xiên thẳng đôi sừng của chúng vào đó.

Năm nào nhà chức trách địa phương cũng nhận được báo cáo về những trường hợp người thương tích trong khi tham gia lễ hội. Dù Greenpeace và các tổ chức bảo vệ động vật như PETA đã nhiều năm lên án trò chơi, nhưng Fiesta de San Fermin vẫn tiếp diễn như bao lễ hội thường niên khác ở Tây Ban Nha, thu hút hàng triệu du khách hiếu kỳ.

Tuấn Anh

Lý do biểu tượng của Phố Wall là một chú bò đực

Lý do biểu tượng của Phố Wall là một chú bò đực

Đằng sau chú bò vạm vỡ với dáng vẻ như muốn lao mình về phía trước, là một câu chuyện điển hình cho giấc mơ của bao người trong lần đầu đặt chân đến New York hoa lệ.

Muôn kiểu lì xì, quà Tết thời đại dịch Covid-19

Muôn kiểu lì xì, quà Tết thời đại dịch Covid-19

Việc số hóa lì xì, quà tặng không chỉ là một biện pháp để đối phó với đại dịch, mà còn được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.