Cô Yumi Ishikawa, một họa sĩ, nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền tại Tokyo đã lập nên bản kiến nghị này, sau khi các dòng tweet của cô về việc bị ép đi giày cao gót đi làm nhận được hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt retweet.

“Tôi hi vọng sẽ bỏ được quy định rằng phụ nữ phải đi giày gót cao đến công sở mỗi ngày”, cô viết trên trang mạng xã hội của mình.

{keywords}
Cô Yumi Ishikawa, người khởi động phong trào #KuToo.

Trong nhiều năm, rất nhiều công ty ở Nhật Bản đã yêu cầu các nữ nhân viên của mình phải đi giày cao gót đến văn phòng.

Trong các bài đăng của mình, cô Ishikawa đã tạo ra dòng hashtag #KuToo, vừa để chơi chữ với hai từ trong tiếng Nhật: “kutsu” – nghĩa là giày, và “kutsuu”, nghĩa là cảm giác đau, vừa liên hệ đến hashtag #MeToo, đại diện cho một phong trào quốc tế chống lại quấy rối tình dục.

Hashtag #KuToo kể từ đó đã được sử dụng bởi các phụ nữ muốn nói về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội.

Một quan chức tại bộ phận phụ trách cơ hội tuyển dụng bình đẳng thuộc Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết cơ quan này không có ý định thay đổi luật lệ về việc các nhà tuyển dụng có thể yêu cầu nhân viên của mình mặc một số trang phục nhất định.

Quan chức này lưu ý đàn ông cũng phải tuân thủ một số yêu cầu, chẳng hạn như phải đeo cà vạt hay đi giày da. “Nếu những quan niệm hay khái niệm chung về cách cư xử phép tắc trong xã hội thay đổi, thì các quy định này cũng có thể được thay đổi”, quan chức này cho biết.

{keywords}
Hashtag #KuToo được sử dụng bởi các phụ nữ muốn nói về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội.

Phong trào #KuToo ở Nhật Bản tiếp bước một chiến dịch tương tự ở Anh năm 2016, khi hơn 100.000 người kí tên vào một bản kiến nghị kêu gọi cấm các công ty yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót ở nơi làm việc.

Trong những năm gần đây, các chiến dịch như #MeToo đã đưa bình đẳng giới trở thành một vấn đề tâm điểm của xã hội ở Nhật Bản. Nước này đứng thứ 110 trong số 149 nước trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá về mức độ bình đẳng giới.

Nhật Bản còn xếp hạng chót trong số các nước G7 về bình đẳng giới, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nỗ lực tăng cường quyền lợi cho các nữ lao động ở nước này qua một chính sách có tên “phụ nữ kinh tế”.

Anh Thư