Tân Hoa xã trích dẫn dự thảo ngân sách công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3 cho hay, tổng chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2019 dự kiến sẽ lên tới 1.190 tỉ Nhân dân tệ (tương đương hơn 177,5 tỉ USD), tức là tăng 7,5% so với năm 2018.

{keywords}
Các lực lượng Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn của nước này. Ảnh: Reuters

Theo CNN, mức tăng ngân sách quốc phòng nói trên của Trung Quốc có giảm nhẹ so với một năm trước đó (8,1% vào năm 2018). Các chuyên gia nhận định, điều này có thể nhằm tránh tạo dư luận bên trong Trung Quốc về việc chi tiêu quân sự đã tăng vượt mức tăng trưởng kinh tế chung, dự kiến không quá 6,5% trong năm nay.

Dù Bắc Kinh tuyên bố, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn ít hơn 1,5% GDP, nhưng xét về con số tuyệt đối, nước này chỉ xếp sau Mỹ. Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Donald Trump đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ lên 750 tỉ USD trong năm 2019.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, củng cố năng lực quốc phòng và tiếp tục cải cách các lực lượng vũ trang vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay.

Giới phân tích nhận định, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng lên tới 10% trong bối cảnh leo thang đối đầu giữa nước này với Mỹ, căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và các hoạt động tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa nước này với các quốc gia láng giềng.

Các tin tức đáng chú ý khác trong ngày:

- Hãng thông tấn xã quốc gia Triều Tiên (KCNA) đưa tin, đoàn tàu đặc biệt chở nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã về tới Bình Nhưỡng lúc 3h sáng ngày 5/3 sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

- Đặc phái viên Hàn Quốc về Triều Tiên Lee Do-hoon ngày 5/3 đã lên đường đến Washington để thảo luận với giới chức Mỹ về các cách thức duy trì những nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.

- Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) xác nhận, Triều Tiên đã cho ngừng hoạt động lò phản ứng công suất 5 megawatt (MW) trong tổ hợp hạt nhân chính ở Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng từ cuối năm 2018. Theo NIS, các đường hầm ngầm tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên ở Punggye-ri cũng chỉ còn là đống đổ nát kể từ khi Bình Nhưỡng cho phá hủy chúng vào tháng 5/2018.

- Ủy ban Tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ vừa mở một cuộc điều tra toàn diện đối với chiến dịch vận động tranh cử, công việc làm ăn, quá trình chuyển giao quyền lực, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như con cái của ông nhằm giải đáp các nghi vấn về tham nhũng, những hành vi cản trở công lý, trả tiền "mua" sự im lặng, nghi vấn thông đồng với Nga cùng các cáo buộc lãnh đạo Nhà Trắng đã lạm dụng chức vụ để tư lợi.

- Quân đội Mỹ lần đầu tiên đã đưa các Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), loại lá chắn tên lửa tối tân nhất của nước này đến Israel, đúng vào lúc gia tăng căng thẳng giữa quốc gia Trung Đông này với Iran. Bộ Tư lệnh châu Âu thuộc quân đội Mỹ cho biết, động thái nhằm thể hiện việc Washington tiếp tục cam kết bảo đảm an ninh cho Israel cũng như chứng tỏ lực lượng Mỹ rất nhanh nhạy, có khả năng đáp trả nhanh chóng, khó lường trước bất cứ mối đe dọa nào, ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào.

- Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), dẫn đến hành động tương tự mới đây của Moscow. Chính phủ Trung Quốc tin rằng, Mỹ và Nga cần phải sớm giải quyết các bất đồng và quay trở lại tuân thủ hiệp ước INF để đảm bảo sự ổn định và an ninh toàn cầu.

- Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã phát đi tín hiệu tích cực về khả năng trao cho nước Anh cơ hội thay đổi thỏa thuận rời EU (Brexit) nhằm giúp thỏa thuận có thể nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện nước này.

- Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với "những hậu quả nghiêm trọng" trong quan hệ quốc phòng với Mỹ nếu mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tối tân của Nga.

- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, EU vẫn là đối tác quan trọng đối với Nga và không có trở ngại khách quan nào trong việc phát triển quan hệ song phương, bất chấp những nỗ lực cản trở từ Mỹ.

- Hải quân Paksitan đã công bố đoạn video được cho là quay cảnh tàu ngầm Ấn Độ đang di chuyển vào vùng biển thuộc tỉnh Balochistan của nước này. Hãng tin Sputnik dẫn lời phát ngôn viên của Hải quân Pakistan thông báo, các máy bay săn ngầm của họ đã phát hiện và ngăn chặn thành công vụ xâm nhập lãnh hải này.

- Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vừa mở một trung tâm thí nghiệm an ninh mạng tại Brussels (Bỉ), cho phép các khách hàng rà soát mã nguồn điều khiển thiết bị mạng của họ. Động thái nhằm trấn an các nhà hoạch định chính sách EU về tính an toàn của các thiết bị, dịch vụ Huawei trong bối cảnh doanh nghiệp này đang nỗ lực chống lại các cáo buộc của Mỹ về "đe dọa an ninh quốc gia".

Tuấn Anh