Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Trung Quốc và đồng nghiệp Decker Eveleth thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí nguyên tử James Martin (Mỹ) đã rút ra kết luận trên khi phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp trong vòng 4 tháng qua, do công ty vệ tinh thương mại Planet Labs cung cấp.

{keywords}
Ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs chụp cho thấy mạng lưới hầm chứa tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc ở sa mạc tỉnh Cam Túc. 

Hai nhà nghiên cứu phát hiện, bãi tên lửa bao gồm 120 hầm chứa, tọa lạc trên một vùng diện tích rộng hàng trăm km2 ở sa mạc của tỉnh Cam Túc, miền tây Trung Quốc.

Ông Lewis hôm 2/7 chia sẻ với hãng tin CNN rằng, hầu hết việc xây dựng mạng lưới hầm chứa tên lửa nói trên có vẻ diễn ra trong vòng 6 tháng trở lại đây và cho đến nay vẫn chưa hoàn tất. Chuyên gia này nói thêm, phạm vi xây dựng cũng gây kinh ngạc vì "lớn hơn rất nhiều những gì mọi người mong đợi nhìn thấy".

Mặc dù nhóm nghiên cứu đã xác định được 120 hầm chứa tên lửa, nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy chúng đang được sử dụng hoặc sẽ được sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin, những hầm chứa được xếp đặt theo mô hình lưới, cách nhau 3 km có thể được dùng để chứa các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-41 do Trung Quốc sản xuất.

{keywords}
Các ảnh vệ tinh dường như hé lộ 4 hầm chứa tên lửa đang ở các giai đoạn xây dựng khác nhau. Ảnh: Planet Labs 

Theo Dự án mối đe dọa tên lửa thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (London, Anh), DF-41 ước tính có tầm bắn trong khoảng 12.000 - 15.000km và có thể được trang bị tới 10 đầu đạn hạt nhân nhắm bắn các mục tiêu riêng rẽ. Loại tên lửa này được cho có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ trong vòng 30 phút.

Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu tên lửa DF-41 trên các máy phóng di động vào năm 2019 nhưng chưa từng công bố việc triển khai chúng trong thực tế.

"Nếu quân đội Trung Quốc đã quyết định đầu tư vào lượng lớn hầm chứa tên lửa mới cho lực lượng ICBM của họ, điều này có thể ám chỉ sự thay đổi trong quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này", Henry Boyd, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định.

Trung Quốc thường không bình luận về các vấn đề quân sự nhạy cảm. Song, một bài xã luận đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với tiêu đề "Việc xây dựng khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc không thể bị Mỹ trói buộc" cũng ủng hộ việc Bắc Kinh tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Bài báo cho rằng, Washington "đang gây sức ép quân sự" với Bắc Kinh khi sở hữu ít nhất 450 hầm chứa tên lửa.

{keywords}
Hình ảnh một hầm chứa tên lửa Trung Quốc có cấu trúc mái vòm. Ảnh: Ảnh: Planet Labs 

Hồi tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại cam kết của Bắc Kinh về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công trước "vào bất kỳ thời điểm nào hoặc trong bất kỳ trường hợp nào". Theo người phát ngôn, Bắc Kinh cam kết "không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không sở hữu vũ khí nguyên tử".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, nước này luôn có chính sách nhất quán là duy trì các lực lượng hạt nhân ở mức tối thiểu, cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuấn Anh

Trung Quốc diễn tập bắn 'sát thủ tàu sân bay' trong đêm

Trung Quốc diễn tập bắn 'sát thủ tàu sân bay' trong đêm

Quân đội Trung Quốc gần đây đã diễn tập bắn tên lửa đạn đạo DF-26 trong đêm nhằm nâng cao kỹ năng tác chiến chống tàu sân bay cho binh sĩ nước này.

Hé lộ tên lửa Trung Quốc có khả năng ‘đánh sập’ hệ thống radar

Hé lộ tên lửa Trung Quốc có khả năng ‘đánh sập’ hệ thống radar

Một số hình ảnh được đăng tải trên các mạng quân sự gần đây cho thấy, tiêm kích J-11BS của Trung Quốc được trang bị một loại tên lửa mới.