Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) cho biết, các cuộc thử nghiệm định vị dưới nước được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển thuộc CSIC tiến hành bên ngoài cảng Liên Vân tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã khắc phục được một số vấn đề kỹ thuật cốt lõi với hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu.

Cụ thể, những cuộc thử nghiệm này cho thấy hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu không chỉ cung cấp chính xác dữ liệu định vị của mục tiêu dưới nước, mà còn có thể gửi những thông tin theo dõi và định vị từ các thiết bị hoạt động dưới nước tới các trạm trên bờ biển hoặc sâu trong đất liền.

{keywords}
Trung Quốc phóng tên lửa mang theo 2 vệ tinh Bắc Đẩu lên vũ trụ năm 2018. Ảnh: THX

“Các thử nghiệm trên nhằm kiểm tra toàn diện năng lực của hệ thống vệ tinh để đối phó với môi trường biển phức tạp. Và độ chính xác cũng như phạm vi định vị của hệ thống hoạt động tốt hơn sự mong đợi của chúng tôi”, phát ngôn viên của CSIC cho biết. Tuy nhiên, người này không nói rõ độ sâu cũng như phạm vi của cuộc thử nghiệm.

Tờ SCMP trích dẫn lời chuyên gia hàng hải Li Jie cho biết, những công nghệ tiến bộ này sẽ giúp các tàu ngầm và người máy hoạt động dưới nước tăng cường khả năng theo dõi tàu đối phương và tiến hành các cuộc tấn công mang tính bí mật cao.

“Chính xác và liên lạc là hai yếu tố quan trọng nhất đối với tàu ngầm và tàu không người lái hoạt động dưới nước. Nếu hệ thống Bắc Đẩu dưới nước có thể cung cấp thông tin định vị chính xác và hỗ trợ liên lạc giữa tàu ngầm, tàu không người lái với các trạm trên mặt đất thì đó sẽ là một thành tựu chiến lược lớn cho Hải quân Trung Quốc, từ đó Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống định vị toàn cầu độc lập”, ông Li cho biết.

Các thử nghiệm trên được coi như một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm biến hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu trở thành một mạng lưới định vị địa lý toàn cầu, bao phủ cả trên đất liền lẫn trên biển vào năm 2020. Tân Hoa Xã tuần trước cho biết, Trung Quốc hiện có 35 vệ tinh bay trên quỹ đạo Trái Đất như một phần của hệ thống cung cấp dịch vụ định vị và chỉ đường chính xác cho người sử dụng trên toàn thế giới.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming đưa ra nhận định, hệ thống định vị Bắc Đẩu dưới nước có thể sử dụng cho cả dân sự lẫn quân sự, bao gồm việc dẫn đường cho người máy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hoạt động ở độ sâu 3.000m dưới mặt nước biển.

{keywords}
Vệ tinh Bắc Đẩu hiện có khả năng định vị chính xác mục tiêu dưới nước. Ảnh: asianscientist

“Các người máy AI luôn rẻ hơn so với tàu ngầm, tất nhiên giá cả vẫn rất đắt, với giá 7,2 triệu USD (khoảng 165 tỷ VND). Và định vị dưới nước ở vùng biển sâu cũng khó khăn hơn nhiều so với không gian. Nếu hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu có thể cung cấp đường dẫn liên lạc ổn định giữa các trung tâm trên bờ và những tàu chỉ huy trên mặt nước, thì điều này sẽ giúp cho Trung Quốc thực hiện các cuộc khảo sát địa chất ở dưới nước”, ông Zhou cho biết.

Tờ SCMP nhận định, những tiến bộ trong hệ thống định vị vệ tinh có thể thúc đẩy hoạt động của các tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, giải cứu người bị nạn dưới đáy biển sâu, nghiên cứu khoa học trên các vùng biển và thậm chí tăng cường khả năng thăm dò ở Bắc Cực.

Tuấn Trần