Về phía Mỹ, sau khi phân tích tương quan lực lượng và các tin tức do tình báo cung cấp, Bộ Chỉ huy Mỹ phán đoán Nhật Bản có thể tiến công, đánh chiếm Midway, căn cứ hải - lục - không quân mạnh nhất ở Thái Bình Dương của Mỹ.

Midway nằm giữa tuyến đường từ San Francisco, Mỹ đến Singapore. Nếu chiếm được Midway, hành lang an toàn về phía đông Nhật Bản được tăng cường, tạo điều kiện cho Nhật tiếp tục tiến về phía Nam đến New Guinea, quần đảo Salomons và cô lập Australia.

Do nắm được kế hoạch và các hoạt động chuẩn bị tiến công của Nhật nên ngay từ khi các binh đoàn tiến công của Nhật xuất phát (ngày 24/5/1942), Mỹ đã kịp thời báo động cho các lực lượng ở Midway, Hawai sẵn sàng chiến đấu. Toàn bộ lực lượng Mỹ do Đô đốc Nimitz, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ huy.

{keywords}
Đô đốc Chester Nimitz. Ảnh: Wikipedia

Sáng ngày 4/6, Nhật sử dụng 108 máy bay từ các tàu sân bay oanh tạc dữ dội vào khu vực đảo, gây thiệt hại lớn cho các công trình phòng ngự và bắn rơi 25 máy bay tiêm kích của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của binh đoàn tiến công Nhật là tiêu diệt lực lượng không quân Mỹ trên đảo không đạt được vì các máy bay Mỹ đều đã xuất kích. Về phía Mỹ, các máy bay ném bom từ tàu Enterprise và Yorktown trong chưa đầy 5 phút đã bắn chìm các tàu sân bay Kaga, Akagi và Horyu của Nhật cùng 137 máy bay chiến đấu trên tàu.

Trong lúc đó, tàu sân bay Khiriu của Nhật ở phía bắc đảo không bị máy bay Mỹ phát hiện, nên các máy bay từ tàu này đã tiến công làm hỏng nặng tàu sân bay Yorktown. Và ngày 7/6, Yortown hoàn toàn bị tàu ngầm Nhật đánh chìm.

Song, số phận tàu sân bay Khiriu của Nhật cũng đã được quyết định. Trong lúc máy bay từ tàu này tiến công Yorktown thì bản thân nó bị máy bay Mỹ tiến công và ngày 5/6 bị loại khỏi vòng chiến đấu.

{keywords}
Tàu sân bay Yorktown bị tấn công. Ảnh: Wikipedia

Sau khi mất 4 tàu sân bay, Chỉ huy lực lượng Nhật - Đô đốc Yamatomo ra lệnh ngừng việc đổ bộ lên Midway để tập trung lực lượng tăng cường cho hướng chủ yếu tây bắc, thậm chí điều cả binh đoàn tàu sân bay từ khu vực Aleutian về tăng cường nhưng đã quá muộn.

Hạm đội Mỹ đã rời sang hướng đông. Ngày 6/6, lực lượng chính của hạm đội Nhật tiến xuống hướng nam và ngày 7/7, Đô đốc Yamatomo buộc phải lệnh cho hạm đội Nhật trở về căn cứ xuất phát.

Trận Midway kết thúc, Nhật bị mất 4 tàu sân bay, một tàu tuần dương nặng, 332 máy bay cùng nhiều tàu khác bị hỏng nặng. Mỹ chỉ mất một tàu sân bay, một tàu khu trục và 150 máy bay chiến đấu các loại.

Những thắng lợi liên tiếp một cách dễ dàng trước đó đã làm cho Bộ chỉ huy Nhật chủ quan, coi thường đối thủ, sẵn sàng tung hết hạm đội để mong giành thắng lợi quyết định. Ngoài ra, tuy trội hơn hẳn hạm đội Mỹ nhưng hạm đội Nhật lại triển khai chiến đấu phân tán trên một khu vực kéo dài từ vùng trung tâm đến bắc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, hạm đội Mỹ tập trung hầu hết ở Midway với các tàu sân bay, tàu tuần dương cùng các lực lượng phòng thủ tại chỗ.

Thứ hai, Bộ chỉ huy Nhật không thực hiện được yếu tố bất ngờ, toàn bộ kế hoạch tiến công, động thái di chuyển của hạm đội Nhật đã bị phía Mỹ nắm được thông qua việc phá khoá mật mã hệ thống thông tin liên lạc của hải quân Nhật Bản. Chính vì thế, Mỹ đã hoàn toàn chủ động trong suốt quá trình trận đánh.

Trận Midway đã làm đảo lộn thế chiến lược trên chiến trường Thái Bình Dương. Tương quan lực lượng ở chiến trường hoàn toàn có lợi cho Mỹ và đồng minh.

Ngày nay, trên đài kỷ niệm chiến thắng ở Honolulu, người ta thấy những dòng chữ được khắc nói lên ý nghĩa đầy đủ nhất của trận Midway. “Đây là trận đánh lớn cuối cùng của họ (tức Nhật Bản) vào lãnh thổ Mỹ. Từ đó, Mỹ khởi thế tấn công và bắt đầu một bước tiến dài về hướng nội địa Nhật và đến chiến thắng cuối cùng”.

Nguyên Phong