Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí Các tàu hải quân và tàu buôn, Liu Yongtan, chuyên gia thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, nhà nghiên cứu trưởng của nhóm phát triển radar hàng hải cho hay, hệ thống radar sóng mặt tần số cao (HFSWR) của họ có thể phát hiện máy bay tàng hình ở trên đường chân trời, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.

Khả năng qua mặt các radar thông thường của siêu tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ. Nguồn: Military Times

Đáng nói, HFSWR không thực sự là một loại radar mới hoàn toàn. Quân đội các nước từng từ bỏ chúng vào những năm 1950 khi hệ thống radar cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AWACS) trở nên phổ biến hơn và giới khoa học phải chật vật khắc phục những nhược điểm của HFSWR, kể cả tỷ lệ nhiễu tín hiệu cao và độ linh động hệ thống thấp.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Liu khẳng định, nhóm của ông hiện đã giải quyết được các thiếu sót của hệ thống HFSWR đời cũ.

{keywords}
Hệ thống HFSWR mới của Trung Quốc được quảng cáo có thể phát hiện các tiêm kích tàng hình F-35 (dưới) và F-22 (trên) của Mỹ. Ảnh: Sputnik

Ông Liu giải thích, vì các chiến đấu cơ tàng hình hiện đại như F-22 và F-35 của Mỹ hay J-20 và J-31 của Trung Quốc được thiết kế để qua mặt các hệ thống radar vi sóng thông thường nên chúng không có khả năng bảo vệ trước các radar sóng dài. Cũng chính tính năng này đã bảo vệ các trạm radar khỏi các tên lửa chống bức xạ, được thiết kế để phát hiện bức xạ radar và phá hủy chúng.

HFSWR khác một radar thông thường ở chỗ, thay vì phát ra vi sóng và chờ nghe tiếng phản hồi từ các vật thể khác, hệ thống sử dụng các sóng lớn, dài hàng mét. Do đặc tính nhiễu xạ của các sóng, những sóng dài này không đi theo đường thẳng mà di chuyển theo độ cong của bề mặt Trái đất, khiến chúng hữu ích hơn nhiều trong việc phát hiện các vật thể trên đường chân trời.

{keywords}
Ông Liu Yongtan, nhà nghiên cứu trưởng của nhóm phát triển radar HFSWR. Ảnh: Weibo

Ở thời điểm hiện tại, HFSWR mới chỉ được vận hành từ các trạm trên mặt đất, khiến hệ thống có thể choán rất nhiều diện tích để đủ chỗ cho các ăng-ten thu đồ sộ của mình.

Dẫu vậy, chuyên gia bình luận quân sự Shi Lao phát biểu trên tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng rằng, HFSWR sẽ cung cấp cho Trung Quốc một hệ thống giám sát bờ biển giá rẻ nhưng hiệu quả trong phạm vi hơn 400km. Cùng với các loại radar khác, HFSWR có thể là công cụ răn đe vô cùng hữu hiệu đối với những kẻ xâm lược trên không hoặc dưới biển.

Tờ Global Times ca ngợi HFSWR là "tuyến phòng thủ đầu tiên" của Trung Quốc.

Hồi tháng 1 năm nay, nhà nghiên cứu Liu, 83 tuổi đã được trao tặng giải thưởng khoa học và công nghệ danh giá bậc nhất nước này cùng số tiền thưởng 8 triệu Nhân dân tệ (gần 26,9 tỉ đồng) vì những đóng góp của ông trong việc phát triển hệ thống radar nói trên.

Tuấn Anh