Truyền thông địa phương dẫn lời một phát ngôn viên Không quân Pakistan cho biết, chiếc FT-7 đâm xuống đất hôm 7/1 sau khi cất cánh từ căn cứ M.M. Alam ở tỉnh Punjab để thực hiện một chuyến bay huấn luyện định kỳ. Cả hai phi công có mặt trên tiêm kích một động cơ này đều tử nạn trong sự cố.

{keywords}
Hiện trường tiêm kích FT-7 đâm xuống đất ở Punjab. Ảnh: Twitter

Theo báo Sputnik, các hình ảnh và đoạn video quay tại hiện trường và được đăng tải sau đó lên mạng xã hội cho thấy các mảnh vỡ của phần thân và cánh máy bay đang nằm vương vãi trên một cánh đồng phía tây nam thủ đô Islamabad.

Nhận được tin cấp báo, lực lượng an ninh địa phương đã nhanh chóng có mặt và phong tỏa hiện trường. Nhà chức trách đang điều tra sự cố, nhưng tai nạn được tin bắt nguồn từ một trục trặc kỹ thuật xảy ra trước khi tiêm kích hạ cánh.

{keywords}
 

Đây không phải là tai nạn đầu tiên đối với mẫu tiêm kích huấn luyện của Pakistan. Gần đây nhất, một vụ rơi máy bay tương tự xuống một cánh đồng lúa ở quận Gujranwala, tỉnh Punjab xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái. Song, trong sự cố này, cả hai phi công đã may mắn thoát chết.

Các chuyên gia cho hay, tiêm kích FT-7 là phiên bản huấn luyện, được dùng để xuất khẩu của mẫu Chengdu J-7 do Trung Quốc sản xuất. J-7 ra đời từ năm 1950, dựa trên phiên bản MiG-21 do Liên Xô chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, trong khi FT-7 chính thức trình làng vào năm 1967.

{keywords}
Không quân Pakistan sử dụng các tiêm kích FT-7 mua từ Trung Quốc là máy bay huấn luyện. Ảnh: Xairforce.

Với 70 năm tồn tại, J-7 cùng các phiên bản nâng cấp của nó vẫn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc vẫn đang biên chế hoạt động trong quân đội hơn 300 chiến đấu cơ loại này. Tuy nhiên, chúng bị các chuyên gia quân sự đánh giá là "cổ lỗ sĩ", kém hiệu quả và không còn đủ khả năng đương đầu với các loại máy bay hiện đại sau này.

Tuấn Anh