Vào ngày 30/7/2020, 16 quân nhân Mỹ đang vận hành một phương tiện tấn công đổ bộ (AAV) trong một cuộc tập trận ở ngoài khơi bờ biển Nam California, thì chiếc AAV này bất ngờ gặp sự cố và chìm xuống biển. Bảy quân nhân đã thoát được ra ngoài, nhưng 9 người còn lại đã chết đuối.

Vụ tai nạn xảy ra gần đảo San Clemente, cách thành phố San Diego khoảng 70 cây số về phía tây, và được xem là một trong những tai nạn huấn luyện thảm khốc nhất trong lịch sử lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.

Phải mãi đến hôm 25/3 vừa qua, kết quả cuộc điều tra thảm kịch mới chính thức được công bố. Theo đó, chiếc AAV này đáng ra không bao giờ được vận hành dưới nước, và các binh sĩ gặp nạn đáng ra không phải điều khiển nó. 

{keywords}
Linh cữu của 9 binh sĩ Mỹ thiệt mạng sau vụ tai nạn trên biển hôm 30/7 năm ngoái. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

Báo cáo trên, được trang tin AP trích dẫn, cho biết phương tiện tấn công đổ bộ này về cơ bản có quá nhiều lỗ hổng, khiến các thành viên tổ lái phải gấp rút vá trước thời điểm huấn luyện. Bên cạnh đó, phương tiện này còn chưa được sử dụng lần nào trong suốt một năm, và gặp nhiều hư hỏng ở hệ thống điện.

Các nhà điều tra còn cho biết, các binh sĩ thủy quân lục chiến và thủy thủ điều khiển chiếc AAV gặp nạn được huấn luyện tác chiến hết sức hời hợt. Khi nước bắt đầu tràn vào khoang lái và ngập đến mắt cá chân, người chỉ huy phương tiện đáp rằng: "Cảm ơn đã cho tôi biết", nhưng không triển khai bất kỳ kế hoạch sơ tán nào, vốn được xem là quy tắc tiêu chuẩn trong huấn luyện. Khi phương tiện bị ngập nước trong điều kiện tồi tệ hơn dự kiến, các thành viên tổ lái đã tìm cách thoát ra ngoài một cách vô tổ chức, mà không cởi bỏ thiết bị hạng nặng nào trên người. 

Tờ báo Orange County Register ghi nhận rằng, các quân nhân trên chiếc AAV gặp nạn khi đó chỉ được huấn luyện để điều khiển các phương tiện đất liền. Những quân nhân thoát được ra ngoài đã giương cờ cứu nạn để thu hút 2 chiếc AAV khác tham gia cuộc tập trận đến cứu nạn, nhưng cả hai đều không đến kịp thời để cứu toàn bộ thành viên trên chiếc AAV đang chìm.

{keywords}
Phương tiện tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

Cũng theo Orange County Register, các nhà điều tra cũng chỉ trích sự thiếu sót các phương tiện cứu hộ trong vụ thảm kịch hôm 30/7 năm ngoái. Thông thường, cứ 6 AAV thì cần phải có sự hộ tống của  2 xuồng cứu nạn. Tuy nhiên, cuộc tập trận khi đó có tới 13 AVV nhưng không có một xuồng cứu hộ nào.

Đại tá Christopher J. Bronzi, chỉ huy của Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 15, đơn vị của 9 binh sĩ thiệt mạng, đã bị sa thải hôm 23/3. Một trong những sĩ quan cấp trên của ông, Trung tá Michael J. Regner, cũng đã bị bãi nhiệm và tước quân hàm hồi tháng 10 năm ngoái.

Việt Anh

Vệ binh quốc gia Mỹ bị phục kích khi vận chuyển vắc-xin Covid-19

Vệ binh quốc gia Mỹ bị phục kích khi vận chuyển vắc-xin Covid-19

Theo tờ Military Times, vụ phục kích trên xảy ra vào sáng 22/3 (giờ Mỹ) tại miền tây bang Texas.

Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ dè chừng trước Nga và Trung Quốc

Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ dè chừng trước Nga và Trung Quốc

Tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, khẳng định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong tương lai gần.