Tại một cuộc họp báo ngày 8/1, khi được hỏi về thương vụ S-400 của Ấn Độ, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói Delhi không được hưởng bất kỳ "sự bảo vệ đặc biệt" nào khỏi cấm vận của Mỹ.

{keywords}
Hệ thống S-400 của Nga tham gia một cuộc diễu binh mừng Ngày Độc lập ở Minsk. (Ảnh: Reuters)

Cảnh báo tương tự như trên từng được Mỹ đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara quyết định mua "rồng lửa" Nga. Do vậy, Ấn Độ đã biết rõ rủi ro bị áp đặt cấm vận.

Sau đe dọa trên, quan chức Mỹ khẳng định không có "áp dụng chung" cho trừng phạt nhằm vào Ấn Độ, nghĩ là có thể cấm vận tùy từng trường hợp và về lý thuyết có thể được điều chỉnh.

"Thách thức mà chúng tôi có với bất kỳ nước nào như Ấn Độ là các thương vụ mua các hệ thống quan trọng, vốn có thể gây rủi ro cho các nền tảng của chúng tôi hoặc phơi bày công nghệ của chúng tôi cho kẻ thù. Và vì vậy chúng tôi nói rất đơn giản thế này: Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình".

Theo hãng tin Nga RT, bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào New Delhi đều có thể được thực hiện theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (Countering America's Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA), được ký thành luật năm 2017. Washington thường dùng đạo luật này như một cảnh báo với các quốc gia đồng minh về các hợp đồng mua vũ khí của Nga, cụ thể là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ấn Độ tuyên bố nước này được quyền mua vũ khí một cách độc lập. Hồi tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định New Delhi sẽ "không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nước nào về những gì chúng tôi làm liên quan đến an ninh và quốc phòng".

S-400 của Nga là hệ thống phòng không tầm xa tân tiến nhất hiện nay cho xuất khẩu, được thiết kế để đánh chặn tên lửa và máy bay của kẻ thù. Washington cho rằng nền tảng này "không tương thích" với cơ sở hạ tầng quốc phòng của NATO, đồng thời coi "rồng lửa" Nga là mối đe dọa đối với chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ.

Thanh Hảo