“Họ có một dự án máy bay TF-X, và chúng tôi sẵn sàng thảo luận về nó trên cơ sở hợp tác công nghiệp. Hơn nữa, hai nhà lãnh đạo (Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan) hôm qua đã nhấn mạnh rằng hợp tác công nghiệp giữa hai nước là việc khả thi và được mong muốn. Về cơ bản, ngành công nghiệp của chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Shugayev phát biểu trước báo giới tại sự kiện triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2019 diễn ra tại trường bay Zhukovsky của thủ đô Moscow.

Nói về việc bàn giao hệ thống tên lửa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã mua từ Nga, ông Shugayev cho biết giai đoạn bàn giao thứ hai sẽ được hoàn thành trong nhiều tuần tới. “Việc bàn giao đợt S-400 thứ hai đã bắt đầu và sẽ kéo dài nhiều tuần, hàng chục chuyến bay sẽ được thực hiện để giao hàng. Việc huấn luyện các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp tục. Chúng tôi sẽ hoàn thành việc này vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”, ông Shugayev cho biết.

Quan chức này cũng tiết lộ rằng Ankara bày tỏ mong muốn mua chiến cơ Su-35 hoặc Su-57, và Nga sẵn sàng thảo luận về thương vụ này. “Tôi sẽ tổ chức đàm phán với người đồng cấp Thổ Nghĩ Kỳ Ismail Demir. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về các chủ đề liên quan, bao gồm hệ thống phòng không S-400 và khả năng mua máy bay Su-35 hoặc Su-57. Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy là họ rất quan tâm đến các chiến cơ này. Tuy nhiên còn quá sớm để nói về thương lượng hợp đồng, chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra cả, và các cuộc tham vấn nên được tổ chức”, quan chức này cho biết.

{keywords}
Tổng thống Vladimir Putin đích thân 'chào hàng' chiến cơ Su-57 cho Tổng thống Erdogan.

Theo ông Sugayev, Moscow và Ankara cũng đang thảo luận việc vận chuyển các động cơ máy bay và thiết bị tác chiến điện tử đến Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi sẽ tổ chức hội đàm về hàng không và động cơ. Chúng tôi cũng có ý tưởng hợp tác về các vũ khí tác chiến điện tử”, ông Shugayev cho biết thêm.

Ngoài ra, cũng trong sự kiện MAKS 2019, Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Dmitry Rogozin cho biết Moscow đã đề nghị giúp Thổ Nhĩ Kỳ đưa phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2023, đánh dấu 100 năm ngày thành lập quốc gia này.

“Chúng tôi có một lời đề nghị đến ông – đề nghị đưa một phi hành gia người Thổ Nhĩ Kỳ vào quỹ đạo để đánh dấu ngày thành lập nước Cộng hòa. Trung tâm huấn luyện Cosmonaut sẵn sàng giúp thực hiện việc này”, ông Rogozin nói với Tổng thống Erdogan trong chuyến viếng thăm. Ông Rogozin cũng cho biết Moscow mong muốn tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực không gian vũ trụ, và “nhiều phương án hợp tác khác nhau” đã được thảo luận.

Các phát biểu này được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận đợt thứ hai của hệ thống phòng không S-400 từ Nga, dưới một hợp đồng ký kết vào tháng 12/2017, bất chấp áp lực từ Mỹ. Washington đã dùng nhiều cách để đe dọa và gây áp lực cho Ankara hủy bỏ thương vụ này, bao gồm việc từ chối bán chiến cơ F-35, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã phớt lờ tất cả.

Anh Thư