Thỏa hiệp Munich

Từ đầu những năm 1930, được sự đồng lõa của Anh, Pháp và Mỹ, nước Đức quân phiệt dần phá bỏ Hệ thống hòa ước Versailles, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để chinh phục châu Âu và thế giới.

Sau khi sáp nhập nước Áo (13/3/1938), Đức chuyển sang thực hiện âm mưu thôn tính Tiệp Khắc, một quốc gia có hiệp ước tương trợ với Pháp và Liên Xô. Đánh vào Tiệp Khắc, tức là giáng một đòn mạnh vào Pháp, loại trừ đồng minh quan trọng của nước này. Việc chiếm Tiệp Khắc cũng tạo cho Đức khả năng thọc vào sườn Ba Lan và mở đường xâm lược Liên Xô.

Bước đi đầu tiên, Đức đưa ra yêu sách sáp nhập miền Sudetes giàu có của Tiệp Khắc. Trong khi đại đa số người dân Tiệp Khắc đấu tranh chống âm mưu của Đức thì chính phủ của Tổng thống Benes lại chấp nhận để vùng Sudetes được hưởng quyền "tự trị".

{keywords}
Lính Mỹ tham chiến tại Bỉ năm 1944. Ảnh: AP

Anh, Pháp cũng ngầm ủng hộ yêu sách này. Ngày 19/9/1938, Anh và Pháp gửi cho Tiệp Khắc yêu cầu mang tính tối hậu thư đòi Tiệp Khắc chấp nhận đòi hỏi của Đức. Anh, Pháp còn ngăn cản không cho Tiệp Khắc tiếp nhận sự giúp đỡ của Liên Xô (theo hiệp ước tương trợ).

Ngày 29 và 30/9/1938, tại thành phố Munich của Đức diễn ra hội nghị những người đứng đầu 4 nước Anh, Pháp, Đức, Ý để bàn về Tiệp Khắc. Tham gia hội nghị có Thủ tướng Anh Chamberlain và Ngoại trưởng Halifax; Thủ tướng Pháp Daladier và Ngoại trưởng Bonne; Quốc trưởng Đức Hitler và Ngoại trưởng Ribentrov; Thủ tướng Italy Mussolini và Ngoại trưởng Siano.

Các bên tham dự đã kí Hiệp ước Munich, trong đó quy định: Tiệp Khắc phải cắt Sudetes và vùng giáp giới Áo cho nước Đức; toàn bộ tài nguyên và tài sản kinh tế ở đó không được di chuyển; tất cả các công trình phòng thủ phải để y nguyên... Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Anh - Đức, Pháp – Đức kí tuyên bố chung, cam kết không gây chiến tranh với nhau.

Hiệp ước Munich đã làm Tiệp Khắc mất 1/3 lãnh thổ và 2/3 tiềm lực kinh tế, dọn đường cho phát xít Đức thôn tính toàn bộ lãnh thổ Tiệp Khắc vào ngày 15/3/1939, chia quốc gia này thành 2 nước Czech và Slovakia đặt dưới quyền bảo hộ của Đức.

Thỏa hiệp Munich là một phiên chợ đen, trong đó Anh và Pháp đã 'dâng' Tiệp Khắc cho Hitler để đổi lấy những lời hứa hão về "một nền hoà bình" và để chĩa mũi nhọn tiến công về phía Liên Xô. Mỹ tuy không tham dự hội nghị và không kí hiệp ước, song đã đứng sau hậu trường để giật dây, xúi giục và gây sức ép để Anh, Pháp và Tiệp Khắc nhượng bộ Hitler.

Trò chơi “bắt cả hai tay”

Sau khi Hitler thôn tính toàn bộ Tiệp Khắc, ngày 20/3/1939, Liên Xô đề nghị triệu tập hội nghị bàn về việc đảm bảo an ninh ở châu Âu trước chính sách xâm lược của phát xít. Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận trong, ngoài nước, giới cầm quyền Anh, Pháp buộc phải nhận lời.

Cuộc đàm phán Anh-Pháp-Xô bắt đầu từ ngày 15/4/1939. Liên Xô đề nghị ba nước ký hiệp ước tương trợ cam kết giúp đỡ nhau về mọi mặt (kể cả về quân sự) trong trường hợp bị xâm lược. Tuy nhiên, Anh, Pháp chỉ muốn Liên Xô cam kết “giúp đỡ phương Tây trong mọi hoàn cảnh”, mà không muốn tự mình cam kết điều gì để ủng hộ Liên Xô chống Đức.

Ngày 23/7/1939, Liên Xô lại đề nghị các nước phương Tây mở cuộc đàm phán giữa các phái đoàn quân sự ở Moscow. Sức ép của dư luận thế giới lại buộc Anh và Pháp phải tham gia. Nhưng họ vẫn tiếp tục thiếu thiện chí và tiếp diễn trò chơi “bắt cá hai tay”: trong khi đàm phán với Liên Xô, họ vẫn bí mật đàm phán với Đức.

Bởi từ đầu tháng 6/1939, phía Anh đã chủ động mở cuộc đàm phán với Đức Quốc xã để kí một hiệp ước toàn diện giữa hai nước. Gồm: hiệp ước không tấn công lẫn nhau, phân chia thị trường và khu vực ảnh hưởng, loại bỏ cạnh tranh và “cùng sử dụng lực lượng” ở Trung Quốc và Liên Xô – tức sự hợp tác Anh – Đức chống Liên Xô, Trung Quốc và chia sẻ lãnh thổ Liên Xô, Trung Quốc…

Trước khi chiến tranh bùng nổ, Anh còn đề nghị kí kết với Đức "Kế hoạch Boston". Theo đó, Đức cam kết không can thiệp vào lãnh thổ đế quốc của Anh. Đổi lại, Anh cam kết tôn trọng những vùng ảnh hưởng của Đức ở đông và đông nam châu Âu; Anh sẽ bác bỏ những cam kết với các nước ở vùng ảnh hưởng của Đức; Anh sẽ cố gắng vận động Pháp bãi bỏ hiệp ước tương trợ Pháp-Xô; Anh sẽ chấm dứt đàm phán với Liên Xô…

Nhưng Anh càng nhượng bộ thì Đức càng làm già. Đức đưa ra hết yêu sách này đến yêu sách khác mà nếu Anh chấp nhận thì chẳng khác gì đầu hàng Đức và đế quốc Anh sẽ sụp đổ. Dĩ nhiên là Anh không thể làm như vậy được.

Tuy vậy, Anh vẫn giả vờ thương thuyết với Liên Xô trong khi vẫn tìm cách cấu kết với Hitler. Ngày 11/8/1939, cuối cùng thì các đoàn Anh, Pháp cũng đến Moscow. Họ nhận được chỉ thị phải làm cho cuộc đàm phán diễn ra thật chậm, tức phải kéo dài một khi chưa đạt được các thỏa thuận với Đức, rằng “không nên nhận một cam kết dứt khoát nào có thể trói tay chung ta trong tất cả mọi trường hợp”.

Thái độ trên của Anh, Pháp đã làm cho cuộc đàm phán Moscow đi vào ngõ cụt, qua đó phá hoại khả năng hợp tác giữa các nước để chống nguy cơ chiến tranh.

Nguyên Phong

Bí mật sức mạnh của lực lượng tác chiến đặc biệt Thái Lan

Bí mật sức mạnh của lực lượng tác chiến đặc biệt Thái Lan

Lực lượng tác chiến đặc biệt (LLTCĐB) lục quân Thái Lan thường thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong các tình huống phức tạp.

Vũ khí hạt nhân xách tay duy nhất trên thế giới

Vũ khí hạt nhân xách tay duy nhất trên thế giới

Từ lâu, vũ khí hạt nhân xách tay hay còn gọi là “hạt nhân vali” đã trở thành chủ đề phổ biến trong phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử.