Tokyo sẽ đưa ra cập nhật mới về khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Năm ngoái, báo cáo này chỉ cho rằng khả năng kĩ thuật để chế tạo đầu đạn thu nhỏ là khả thi, và báo cáo sắp tới sẽ khẳng định Bình Nhưỡng đã nắm trong tay khả năng này - tờ Yomiuri Shimbun đưa tin.

Báo cáo này duy trì nhận định rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là “mối đe doạ nghiêm trọng” đối với an ninh Nhật Bản, sau khi các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không mang lại nhiều tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hoá.

Báo cáo dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa tháng 9 tới, trước khi được phát hành.

{keywords}
Việc Triều Tiên phóng thử một loạt các tên lửa tầm ngắn đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực trong thời gian gần đây. Ảnh: KCNA

Vào đầu năm nay, một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Rand Corporation ở California, nơi có quan hệ mật thiết với Quân đội Mỹ, cho biết Triều Tiên có thể sẽ sở hữu lên đến 100 đầu đạn hạt nhân từ nay đến năm 2020.

“Việc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo làm tăng khả năng họ sẽ sử dụng chúng để chống lại các nước trong khu vực. Việc này sẽ gia tăng bất bình ổn trong và cả ngoài khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của Mỹ”, báo cáo viết.

Năm 2017, một bản đánh giá của tình báo Mỹ bị rò rỉ kết luận, Triều Tiên đã phát triển được công nghệ sản xuất các đầu đạn hạt nhân với kích thước nhỏ để lắp vừa vào tên lửa. Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu ở rất xa, bao gồm cả lục địa Mỹ.

Ngoài ra, các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên có thể bắn vào Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có cả các tài sản quân sự của Mỹ ở hai nước này.

“Cộng đồng tình báo đánh giá rằng Triều Tiên đã sản xuất được các vũ khí hạt nhân có khả năng được vận chuyển bởi tên lửa đạn đạo, bao gồm cả các tên lửa xuyên lục địa”, bản đánh giá này cho biết - theo thông tin được tờ Washington Post đăng tải.

Trong sách trắng quốc phòng năm ngoái, Nhật Bản cho biết các vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đem lại một “mối đe doạ cận kề chưa từng có” đến an ninh nước này, khẳng định thêm rằng bất ổn an ninh ở khu vực xung quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, bất chấp các đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/8 bày tỏ hi vọng rằng Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đàm phán nhằm dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này. 

“Chúng tôi chưa trở lại bàn đàm phán sớm như chúng tôi mong muốn, nhưng từ đầu đến cuối chúng tôi đã khá rõ ràng về việc này. Chúng tôi biết là sẽ có chông gai trên đường đi”, ông Pompeo phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài CBS.

“Chúng tôi hi vọng rằng Chủ tịch Kim sẽ ngồi vào bàn đàm phán và đạt được một kết quả khả quan hơn. Việc này sẽ có lợi hơn cho người dân Triều Tiên. Sẽ có lợi hơn cho cả thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Anh Thư