Hãng thông tấn Izvestia trích dẫn các nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho hay, các thành phần quan trọng nhất của S-500 Prometey vừa được thử nghiệm tại Syria. Trong quá trình này, các chuyên gia đã nhận diện "một số vấn đề nhất định" trong hoạt động của siêu rồng lửa nhưng họ đã nhanh chóng loại bỏ chúng.

Izvestia nhấn mạnh, các vụ thử đã hoàn tất và được coi là thành công.

Uy lực "siêu rồng lửa" S-500 trong một vụ thử nghiệm.

Sputnik dẫn lời Trung tướng Aitech Bizhev, cựu Phó tư lệnh Không quân về hệ thống phòng không tích hợp CIS chung cho hay, trong những cuộc thử nghiệm trước khi cung cấp vũ khí cho các lực lượng vũ trang, nhà chức trách Nga đặc biệt chú ý đến việc hoạt động trơn tru của tất cả các bộ phận cấu thành vũ khí. Theo ông Bizhev, thiết bị "được thử nghiệm trong những điều kiện khí hậu, kỹ thuật khắc nghiệt và hoạt động hết công suất bất chấp hao mòn".

Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào trước các thông tin nói trên.

Thông số kỹ thuật của S-500 hiện vẫn được giữ bí mật, dù có nhiều thông tin đồn đoán rằng hệ thống này có thể hủy diệt mục tiêu từ khoảng cách tới 600km, và có khả năng theo dõi cũng như tấn công tới 10 mục tiêu đạn đạo di chuyển với tốc độ siêu thanh 25.200 km/h, tương đương khoảng Mach 20.

Ngày 2/10/2018, Moscow đã bàn giao S-300, thế hệ "rồng lửa" cũ hơn, cho Damascus trong nỗ lực tăng cường khả năng an ninh cho binh lính Nga được triển khai tới quốc gia Trung Đông này. Động thái tiếp sau sự cố lực lượng phòng không Syria đã vô tình bắn hạ một máy bay quân sự Il-20 đang chuyên chở 15 quân nhân Nga ở Latakia, trong khi cố gắng đẩy lui một cuộc không kích của Israel.

Sau sự cố, Moscow cáo buộc quân Do Thái cố tình dùng máy bay Nga làm lá chắn trong khi tấn công vào các mục tiêu ở Syria. Tel Aviv đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định đã cảnh báo trước cho nhà chức trách Nga về chiến dịch không kích sắp tới trong khu vực.

Tuấn Anh