{keywords}
Ảnh: ENG.MIL.RU

Với sự điều chỉnh chiến lược này, cuộc cải cách quân sự mới nhất của Nga cũng bước vào giai đoạn đột phá.

Chấm dứt thể chế quân khu

Công việc lớn nhất, phức tạp nhất là việc hợp nhất, chuyển đổi 6 quân khu thành 4 bộ tư lệnh (BTL) chiến lược:

Quân khu Moscow và Quân khu Leningrad hợp nhất, chuyển đổi thành BTL chiến lược Miền Tây, sở chỉ huy đóng tại Saint Petersburg. Ngoài các lực lượng lục quân, không quân và đổ bộ đường không vốn có ở hai quân khu cũ, các hạm đội Phương Bắc và Baltic cũng sẽ thuộc quyền chỉ huy của BTL này.

Quân khu Bắc Kavkaz hợp nhất với hạm đội Biển Đen và tiểu hạm đội Caspian, thành lập BTL chiến lược Miền Nam, sở chỉ huy đặt tại Rostov. Quân khu Volga – Ural cùng một phần Quân khu Siberian cũ hợp nhất thành BTL chiến lược Miền Trung, sở chỉ huy đặt tại Yekaterinburg. Quân khu Viễn Đông với phần còn lại của Quân khu Siberian, cùng hạm đội Thái Bình Dương hợp nhất thành BTL chiến lược Miền Đông, sở chỉ huy đóng tại Khabarovsk.

Trong điều chỉnh hành chính quân sự lần này, quân đội Nga trên thực tế đã thay đổi 2 nguyên tắc tồn tại gần một thế kỉ rưỡi qua, là “phân chia lãnh thổ phòng thủ” và “chuyên môn hóa lục quân”. Như vậy, thể chế quân khu đã thực sự chấm dứt ở Nga.

Hướng tác chiến chiến lược là chủ đạo

Sự thay đổi lớn nhất trong thể chế mới là nguyên tắc “khu vực” được thay bằng “hướng chủ đạo”, lấy một BTL chiến lược liên hợp độc lập đảm nhận một hướng tác chiến. Theo học thuyết quân sự mới của Nga, an ninh quân sự Nga chủ yếu đối mặt với mối đe dọa đến từ 3 hướng tây, nam và đông, trong đó tây là hướng chiến lược chủ yếu nhất.

Cùng với việc NATO mở rộng về phía đông, tuyến phòng thủ ở hướng này của Nga đã từ Trung Âu như thời kì Liên Xô trước đây lùi về đến biển Baltic. Ngay cả khi Ukraina không gia nhập NATO, thì để đối phó tổ chức quân sự này, Nga vẫn cần xóa bỏ nguyên tắc khu vực truyền thống, đưa quân khu Moscow và Leningrad cùng hai hạm đội Phương Bắc, Baltic đặt dưới sự chỉ đạo điều hành của BTL Miền Tây.

Phía nam (Kavkaz) đang phải đối mặt với mối đe dọa thấp nhưng lại trực tiếp và cấp bách. Đó là các thế lực ly khai, khủng bố. Ngoài ra, Gruzia đang hăng hái với tiến trình gia nhập NATO và hoàn toàn có thể “chạm” tới giới hạn an ninh cuối cùng của Nga. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Nga vẫn trao cho BTL Miền Nam vị trí ngang hàng với 3 BTL khác.

Hướng đông được Nga xem là uy hiếp tiềm ẩn, sức ép tương đối thấp. Cùng với sự nâng cấp toàn diện mối quan hệ Trung-Nga, áp lực vốn nhằm vào Quân khu Viễn Đông và Quân khu Siberian trước đây cũng giảm đi. Tuy nhiên, BTL chiến lược Miền Đông vẫn phải sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa thực sự của 3 nước đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn từ hướng bán đảo Triều Tiên, những bất đồng giữa Nga và Nhật, các mối đe dọa phi truyền thống...

BTL Miền Trung có nhiệm vụ ứng phó với mối đe doạ khủng bố và tình huống biến động ở Trung Á. Áp lực ở hướng này tương đối thấp, vì vậy BTL chiến lược Miền Trung còn đóng vai trò lực lượng dự bị. Khi các hướng chiến lược khác có tình huống nguy cấp, BTL chiến lược Miền Trung phải sẵn sàng chi viện kịp thời.

Chuyển đổi thể chế chỉ huy

Quân đội Nga nhiều năm qua thực hiện một thể chế chỉ huy. Thời bình, BTL các quân, binh chủng trực tiếp quản lý lực lượng tác chiến dưới quyền; thời chiến trao cho các quân khu quyền thực hành tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Trong cuộc xung đột với Gruzia năm 2008, thể chế này đã bộc lộ nhiều yếu kém và đã thúc đẩy Nga tiến hành điều chỉnh.

Theo đó, mỗi BTL chiến lược chịu trách nhiệm lập kế hoạch huấn luyện và sử dụng toàn bộ các lực lượng quân sự trong phạm vi địa lí hành chính của mình, cùng lực lượng của các bộ, ngành “sức mạnh” (trừ lực lượng chiến lược) như Bộ Tình trạng khẩn cấp, Cục An ninh Liên bang...

Điều này có nghĩa là giới hạn tồn tại giữa các quân, binh chủng sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Ngoại trừ lực lượng tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược và binh chủng vũ trụ do cấp hoạch định chiến lược cao nhất trực tiếp nắm giữ, các lực lượng tác chiến khác sẽ được đưa về các BTL chiến lược liên hợp để quản lý và chỉ huy.

Đồng thời, thể chế chỉ huy 4 cấp “quân khu-tập đoàn quân-sư đoàn-trung đoàn” được tinh giảm còn 3 cấp “BTL tác chiến liên hợp- BTL chiến dịch-lữ đoàn (căn cứ)”. Đối với Lục quân, tập đoàn quân lục quân chuyển đổi thành BTL chiến dịch hợp thành (tất cả có 10 BTL), toàn quân chủng thực hiện biên chế cấp lữ đoàn.

Đối với Hải quân, hạm đội đổi thành BTL chiến dịch hải quân, bên dưới thiết lập căn cứ hải quân cấp lữ đoàn. Không quân, tập đoàn quân phòng không - không quân chuyển đổi thành BTL chiến dịch phòng không - không quân, bên dưới thành lập căn cứ hàng không cấp lữ đoàn và phân chia chúng về từng BTL chiến lược..

Có thể nói, đây là lần cải cách quân sự triệt để nhất của Nga kể từ thời kì Liên Xô. Cuộc cải cách lần này phù hợp với xu thế phát triển quân đội hiện đại, khắc phục những nhược điểm của thể chế cũ, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo quân đội Nga.

Nguyên Phong

Xem quân đội Nga diễn tập phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M

Xem quân đội Nga diễn tập phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M

Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/8 công bố video quay lại cảnh quân đội nước này diễn tập phóng tên lửa đạn đạo tại căn cứ quân sự Kapustin Yar.